Nghiên cứu, đánh giá tổng thể tiềm năng các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ hai - 17/08/2020 23:59 Cỡ chữ
Địa nhiệt là một loại hình năng lượng có giá trị nhiều mặt, hiện đang được khai thác cho các mục đích khác nhau như sưởi ấm, điều trị bệnh và sản xuất nước khoáng, thậm chí cho phát điện... trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên ở Việt Nam, tiềm năng các bồn địa nhiệt chưa được nghiên cứu đánh giá để có phương án khai thác hợp lý. Việc nghiên cứu tiềm năng bồn địa nhiệt được đặt ra trong bối cảnh vùng Tây Bắc có nhiều điểm xuất lộ địa nhiệt, cần khai thác năng cho phát triển kinh tế. Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể tiềm năng các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc” do Cơ quan chủ trì Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Vũ Văn Tích để thực hiện nghiên cứu.
Với mục tiêu:
+ Đánh giá tiềm năng các bồn địa nhiệt tại khu vực Tây Bắc.
+ Đề xuất quy hoạch và mô hình sử dụng bền vững các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc.
+ Thiết kế mô hình khai thác thí điểm nguồn địa nhiệt phù hợp đặc điểm vùng Tây Bắc.
+ Đề xuất các chính sách quản lý, thu hút đầu tư khai thác năng lượng địa nhiệt vùng Tây Bắc theo hướng phát triển bền vững.
Nhìn chung hoạt động kiến tạo trẻ trong Kainozoi đóng vai trò quan trọng, trong đó tạo nên quá trình làm dập vỡ các đá vừa tạo nên các bồn trầm tích trong khu vực và đồng thời đóng vai trò là kênh dẫn dung dịch địa nhiệt đi từ lòng đất lên trên bề mặt, hoặc tạo nên quá trình đối lưu nhiệt để tạo nên các bồn địa nhiệt tiềm năng trong vùng Tây Bắc. Minh chứng cho quá trình này là hoạt động địa chấn và sự xuất hiện các điểm xuất lộ nước khoáng nóng trong khu vực nghiên cứu.
Sự có mặt của các điểm nước khoáng nóng dọc theo các thành tạo địa chất trong khu vực là rất khác nhau trên các nền đá khác nhau từ trầm tích cổ đến các thành tạo magma. Tuy nhiên có một điểm chung là hầu hết các điểm nước khoáng nóng này đều liên qua đến hoạt động địa chất kiến tạo trẻ, cụ thể là các điểm xuất lộ nước khoáng nóng đều nằm liên quan đến các đới dập vỡ kiến tạo trẻ. Tùy theo đặc điểm cấu trúc địa chất mà có những điểm xuất lộ địa nhiệt có dạng cấu trúc bồn tiềm năng địa nhiệt khác nhau.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Về đánh giá tiềm năng các bồn địa nhiệt tại khu vực Tây Bắc:
Tổng năng lượng tích lưu tự nhiên của các nguồn địa nhiệt trong vùng Tây Bắc được ước tính là 8.960,93 tấn/năm, tương ứng với công suất phát điện là 168,1 MWe. Tuy nhiên, ở đây là tính cho hai loại hình khai thác, khai thác trực tiếp từ điểm xuất lộ tự nhiên và khai thác năng lượng trong bồn chứa. Trong đó khai thác trong bồn chứa thì hiệu năng cao hơn, đặc biệt trong việc khai thác năng lượng cho phát điện ở điều kiện công nghệ và đặc thù địa chất của vùng Tây Bắc như hiện nay.
Với các tiêu chí 3G, trong khu vực Tây Bắc đã xác định định 05 bồn địa nhiệt, trong đó có 03 bồn địa nhiệt tiềm năng đó là bồn địa nhiệt Quảng Ngần (Hà Giang), Mỹ Lâm (Tuyên Quang) và Điện Biên (Điện Biên). Trong số các bồn tiềm năng thì bồn Điện Biên có tiềm năng cao nhất cho khai thác năng lượng với mục tiêu đa lợi ích, cụ thể vừa có thể phát điện vừa có thể làm du lịch.
Về mô hình sử dụng bền vững các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc:
Căn cứ vào kết quả phân tích chất lượng nước khoáng nóng và các yếu tố vật lý của các dung dịch địa nhiệt của các bồn, chúng tôi đề xuất để sử dụng bền vững bồn địa nhiệt tiềm năng theo ba tiêu chí Kinh tế - Môi trường - Xã hội. Trước tiên cần áp dụng đồng thời các công nghệ mới cho khai thác năng lượng xuất lộ tự nhiên để sưởi ấm cho người dân và gia súc môi khi có rét đậm, rét hại ở tất cả các điểm xuất lộ địa nhiệt bằng công nghệ bơm nhiệt.
Tiếp đến phát triển mô hình khai thác nước khoáng đóng chai để thương mại hóa nguồn tài nguyên vô tận này các các bồn như Kim Bôi, Điện Biên, Mỹ Lâm. Tăng cường phát triển du lịch gắn với quy hoạch và đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút khách du lịch vùng Tây Bắc, một đặc sản vào mùa đông đối với du khách trong và ngoài nước. Tập trung cho khu vực Quảng Ngần (Hà Giang), Văn Chấn (Yên Bái), Thanh Thủy (Phú Thọ), Kim Bôi (Hòa Bình)…
Về thiết kế mô hình thí điểm khai thác và sử dụng bền vững nguồn địa nhiệt phù hợp đặc điểm vùng Tây Bắc
Chúng tôi phân tích và lựa chọn các yếu tố đi đến đề xuất thí điểm khai thác tại bồn địa nhiệt Điện Biên, khu vực Uva, tại đây có thể phát triển nhà máy điện địa nhiệt công suất 6,6 MWe ở độ sâu 200m. Đi cùng với đó là khai thác nước khoáng đóng chai quy mô 10m3/giờ. Ngoài ra, phát triển dịch vụ du lịch đi với ngâm tắm kết hợp.
- Đề xuất các chính sách quản lý, thu hút đầu tư khai thác năng lượng địa nhiệt vùng Tây Bắc theo hướng phát triển bền vững. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá ở chương 5, chúng tôi đề xuất nhà nước quan tâm giải quyết đồng thời 03 vấn đề sau:
+ Về mặt cơ chế chính sách: ưu tiên các thủ tục thăm dò, khai thác. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10 năm cho doanh nghiệp đầu tư vào khai thác năng lượng cho phát triển điện địa nhiệt ở vùng Tây Bắc. Nhà nước mua điện với giá ưu đãi như mua điện mặt trời hiện nay.
+ Về mặt nhân lực: Có chính sách đào tạo người dân trong khai thác, sử dụng và đào tạo cán bộ quản lý tài nguyên địa nhiệt. Sau 5 năm sẽ hình thành cộng đồng địa nhiệt, từng bước đưa năng lượng địa nhiệt đi vào thị trường năng lượng của Việt Nam.
+ Về mặt hạ tầng: Các địa phương cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thác các hạ tầng đã đầu tư cho doanh nghiệp quản lý và khai thác theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông đến các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch đặc hữu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15356/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)