Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ hầm lò và đề xuất các giải pháp quản lý trong lĩnh vực khai thác mỏ hầm lò
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/05/2024 00:05
Cỡ chữ
Các nước có nền công nghiệp khai khoáng phát triển như Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Ba Lan… đều có các luật hoặc đạo luật cơ bản để quản lý an toàn mỏ. Các luật hoặc đạo luật này được nghiên cứu và hoàn thiện theo nguyên tắc “áp dụng và rút kinh nghiệm để dần cải tiến”. Do đó, sau một thời gian dài áp dụng, các quy định trong công tác an toàn sẽ được kiện toàn và đưa ngành mỏ đạt được mức độ an toàn ngang bằng với các ngành công nghiệp khác.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò QCVN 01: 2011/BCT (sau đây gọi tắt là QCVN 01) được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2011/TT/BCT ngày 15 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, là văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng bắt buộc cho mọi tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác mỏ ở Việt Nam. Từ định nghĩa này cho thấy, QCVN 01 có mức độ pháp lý cao nhất đối với công tác quản lý an toàn lao động, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) trong khai thác than hầm lò. QCVN 01 được sửa đổi từ Quy phạm kỹ thuật an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch TCN 14.06.2006 và trước đó TCN 14.06.2006 được sửa đổi trên cơ sở TCN 14.06.2000. Sau mỗi lần sửa đổi, nhiều điều chỉnh, thay thế, bổ sung đã được đề cập nhằm hoàn thiện công tác quản lý AT-VSLĐ. Tuy nhiên, sau khi được ban hành và áp dụng một số quy định thuộc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò còn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của sản xuất và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp khai thác than mỏ hầm lò. Ngoài ra, khi xem xét các quy định của QCVN 01 liên quan đến sự cố, tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ than hầm lò trong những năm gần đây cho thấy, còn một số tồn tại cơ bản về cơ cấu quản lý an toàn trong mỏ than hầm lò; người chịu trách nhiệm trong công tác quản lý an toàn khi xảy ra sự cố, tai nạn (chủ thể chịu trách nhiệm về sự cố, tai nạn xảy ra); điều kiện để các quy định trong QCVN 01 được tuân thủ; còn nhiều khoảng cách giữa các quy định của QCVN 01 và thực tế… Trước những yêu cầu đó, TS. Phùng Quốc Huy và các cộng sự tại Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin - Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ hầm lò, QCVN 01:2011/BCT và đề xuất các giải pháp quản lý trong lĩnh vực khai thác mỏ hầm lò” với mục tiêu đánh giá mức độ tuân thủ QC hiện hành, từ đó đề xuất, chỉnh sửa, hoàn thiện một số nội dung còn thiếu và chưa phù hợp với hiện trạng sản xuất trong Quy chuẩn hiện hành, nhằm tăng cường công tác quản lý AT-VSLĐ và giảm thiểu sự cố, tai nạn trong điều kiện sản xuất của các mỏ than hầm lò.
Đề tài đã thực hiện 03 nội dung chính gồm: Khảo sát, tổng hợp hiện trạng và mức độ tuân thủ các quy định thuộc QCVN 01 tại các đơn vị khai thác than hầm lò; Phân tích, đánh giá hiện trạng những tồn tại trong QCVN 01 và tổng quan Quy phạm an toàn của một số nước trên thế giới và Việt Nam; Đề xuất các giải pháp quản lý trong lĩnh vực khai thác than hầm lò và xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sửa đổi QCVN 01, cụ thể như sau:
- Nội dung khảo sát, tổng hợp, phân tích và đánh giá hiện trạng những tồn tại trong quy chuẩn hiện hành; được đề tài thực hiện chi tiết cụ thể thông qua nội dung các phiếu thu thập thông tin; đối tượng hướng đến là các đơn vị khai thác, đào lò, tư vấn và các chuyên gia, đây là cơ sở để tổng hợp, phân tích và đánh giá những tồn tại trong quy chuẩn hiện hành;
- Nội dung tổng quan hệ thống quản lý AT-VSLĐ tại Việt Nam, tổng quan các quy phạm an toàn tại một số nước trên thế giới, được thực hiện với việc nghiên cứu, xem xét & đánh giá hệ thống quản lý an toàn, mục đích, ý nghĩa của quy phạm một số nước cùng với đó là tổng hợp nội dung một số quy định trong hoạt động khai thác than mỏ hầm lò;
- Đề xuất giải pháp quản lý AT - VSLĐ và xây dựng dự thảo quy chuẩn QC 01 mới dựa trên các tài liệu pháp lý liên quan tới AT-VSLĐ trong khai thác hầm lò hiện hành tại Việt Nam, các quy phạm an toàn trong khai thác than hầm lò một số nước có ngành khai thác than hầm lò phát triển trên thế giới như: Ba Lan, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc.
Đặc biệt, các chỉnh sửa, bổ sung được thực hiện qua kết quả điều tra mức độ tuân thủ các quy định QCVN 01 của các đơn vị khai thác than hầm lò trong tập đoàn TKV, TCT Đông Bắc, cũng như các ý kiến đóng góp sửa đổi của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các đơn vị sản xuất than thông qua các hội thảo khoa học.
Với những nội dung đã thực hiện, kết quả đề tài là cơ sở đề xuất Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt những sửa đổi, bổ sung được nêu tại chương III và dự thảo QCVN 01 (phụ lục II) để các quy định được phù hợp với hiện trạng và tương lai sản xuất tại các mỏ than hầm lò hiện nay.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19844 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)