Nghiên cứu đánh giá tình hình phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 07/10/2024 13:08 Cỡ chữ
Ngày 03/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 tại Quyết định số 01/2006/QĐTTg (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với mục tiêu chung là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của đất nước. Chiến lược đã đề ra 05 mục tiêu cụ thể, 03 nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp thực hiện.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chiến lược, ngày 23/7/2007 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược (Quyết định số 114/2007/QĐTTg) với 23 đề án. Ngày 24/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Quyết định số 957/QĐ-TTg), đề ra 04 Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ (trong các lĩnh vực: công nghiệp và các ngành kinh tế kỹ thuật khác; nông nghiệp; y tế; khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường), 02 Định hướng Quy hoạch (phát triển điện hạt nhân (ĐHN); địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ), 02 Đề án phục vụ phát triển ĐHN và 05 Đề án đồng thời là giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể.
Trong giai đoạn 2010-2020, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực thực hiện Chiến lược, Quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chi tiết, các đề án và đã đạt được nhiều kết quả có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực. Sau gần 15 năm thực hiện Chiến lược, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội đã có kết quả và bước tiến đáng kể.
Phạm vi và mục đích của đề án: Để tổng kết Chiến lược, cần phải tiến hành đánh giá tình hình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam bao gồm những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất một số phương hướng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) trong thời gian tới. Mục đích của đề án là nhằm đánh giá tình hình phát triển, ứng dụng NLNT ở Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực NLNT.
Việc đánh giá tình hình phát triển, ứng dụng NLNT ở Việt Nam dựa trên các số liệu thống kê thu thập được của Cục NLNT trong thời gian vừa qua; số liệu, báo cáo của các Bộ, ngành địa phương, các cơ quan liên quan trong các hội nghị, hội thảo do Cục NLNT tổ chức; sự tham vấn của các cơ quan liên quan. Thông qua các tài liệu của Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) và kinh nghiệm quốc tế và căn cứ vào hiện trạng phát triển ứng dụng NLNT ở Việt Nam để đưa ra một số phương hướng trong giai đoạn tới. Những kết quả thu được cũng là một trong những cơ sở để tham khảo trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng NLNT ở Việt Nam cho giai đoạn sau năm 2020.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Nguyễn Thị Thu Trang cùng nhóm nghiên cứu tại Cục Năng lượng nguyên tử thực hiện “Nghiên cứu đánh giá tình hình phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam” với mục tiêu đánh giá tình hình phát triển, ứng dụng NLNT ở Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về các hoạt động trong lĩnh vực NLNT.
Đề án đã thực hiện các nội dung nghiên cứu và hoàn thành 02 sản phẩm, đáp ứng yêu cầu, bao gồm: Báo cáo tổng kết Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 đã được hoàn thiện báo cáo Lãnh đạo Bộ (Phiếu trình số 64534/PT-NLNT-TTTVHN ngày 23/7/2021 và phiếu trình ngày 01/9/2021, trong đó có bút phê của Thứ trưởng); Báo cáo tổng hợp Đề án.
Trong quá trình phân tích đánh giá tình hình phát triển ứng dụng NLNT ở Việt Nam, nhóm các cán bộ tham gia thực hiện Đề án rút ra một số kết luận như sau:
1. Triển khai Chiến lược, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp đã tích cực triển khai và thu nhiều kết quả đáng ghi nhận. NLNT được ứng dụng rộng rãi ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.
2. Thực tiễn các nước trên thế giới cho thấy những kết quả, thành tựu to lớn về ứng dụng NLNT trên các lĩnh vực hiện nay đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học ở nhiều quốc gia trên thế giới. ĐHN vẫn được coi là nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính (nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu) góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris 2015.
3. Trên cơ sở những kết quả đạt được, bất cập, khó khăn tồn tại từ việc triển khai Chiến lược, căn cứ vào nhu cầu và xu hướng phát triển ứng dụng NLNT trên thế giới, nhóm đề án đã đề xuất một số phương hướng phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ cũng như giải pháp đẩy mạnh ứng dụng NLNT trong giai đoạn tới.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20284/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)