Nghiên cứu đánh giá thực trạng công bố ISI của Việt Nam giai đoạn 2007-2016
Cập nhật vào: Thứ tư - 21/10/2020 10:06 Cỡ chữ
Công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học là hoạt động tất yếu của các nhà nghiên cứu. Việc công bố xuất phát từ nhu cầu chia sẻ, trao đổi tri thức, khẳng định giá trị của kết quả nghiên cứu, tầm ảnh hưởng của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mình theo đuổi. Đối với mỗi quốc gia, số lượng và chất lượng của các công bố khoa học cũng là một trong các yếu tố quan trọng giúp phản ánh tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia đó. Kể từ khi đi vào hoạt động, năm 2009, tiêu chí công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín, quốc gia có uy tín là điều kiện tiên quyết khi thực hiện các đề tài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ. Cho đến nay, quy định này tiếp tục được áp dụng và mở rộng sang với lĩnh vực Khoa học Xã Hội và Nhân văn. Danh mục tạp chí quốc tế do được Quỹ đưa vào sử dụng là danh mục các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu của Web of Science do Thomson Reuter quản lý (còn gọi là danh mục tạp chí ISI). Ngoài ra, đối với lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn, danh mục tạp chí quốc tế uy tín còn được mở rộng thêm với danh mục Scopus và các tạp chí quốc tế khác... Với chính sách tài trợ các nghiên cứu cơ bản ở chất lượng cao hơn, theo các chuẩn mực quốc tế và gắn với các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã có sự tác động đáng kể đến thực trạng công bố của giới khoa học trong nước, đặc biệt là sự tăng trưởng về số lượng công bố có địa chỉ Việt Nam cũng như các công bố do nhà khoa học trong nước đóng vai trò chủ đạo (công bố nội lực). Cho đến nay, đã có một số nghiên cứu thể hiện sự quan tâm đến công bố khoa học quốc tế từ Việt Nam cũng như các công bố do Quỹ tài trợ và đã có các nghiên cứu, phân tích về vấn đề này. Trong năm 2017, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Minh Quân, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ nhiệm nhiệm vụ đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá thực trạng công bố ISI của Việt Nam giai đoạn 2007-2016”. Trong đó, đã phân tích được khá chính xác chiều hướng phát triển về số lượng, chất lượng công bố, sự đóng góp của các nguồn tài trợ, tỉ lệ công bố nội lực, ngoại lực… của công bố quốc. Các nghiên cứu về thực trạng công bố của Việt Nam và Quỹ đã góp phần hỗ trợ việc đánh giá hiệu quả hoạt động tài trợ, năng lực công bố của cộng đồng khoa học trong nước, đề xuất các chính sách hoạt động phù hợp.
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu:
- Thu thập xử lý số liệu công bố ISI của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2016 từ nguồn Web of science.
- Đánh giá thực trạng công bố ISI của Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2016.
Bộ dữ liệu về công bố ISI đã xử lý để làm rõ một số thông tin có giá trị cho việc thống kê, đánh giá thực trạng. Bộ dữ liệu có thể cung cấp thông tin để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn về công bố ISI của Việt Nam, phục vụ các mục tiêu cụ thể như xây dựng định hướng phát triển, điều chỉnh chính sách khoa học và công nghệ.
Về mặt học thuật, đề tài đã tiếp cận được sâu hơn so với các nghiên cứu trước đây về mặt xử lý dữ liệu, góp phần đóng góp thêm các hiểu biết về bộ dữ liệu công bố của Web of Science.
Trong phạm vi giới hạn của một đề tài cấp cơ sở, nhóm thực hiện chưa đủ nguồn lực để có thể bóc tách các thông tin chi tiết hơn: nguồn tài trợ (các tổ chức tài trợ cụ thể ngoài Quỹ), các cơ quan nghiên cứu (mới chỉ sử dụng thống kê của Web of Science). Do trong dữ liệu về công bố, tên các tổ chức tài trợ, tổ chức nghiên cứu được ghi theo rất nhiều cách khác nhau, việc xác định, phân biệt các tổ chức này ở trong đề án mới chỉ được thực hiện thông qua sử dụng các từ khóa tiêu biểu, đây là phương pháp có độ chính xác khá cao tuy nhiên vẫn có khả năng gây sai sót đặc biệt là các thống kê về tổ chức tài trợ (ngay cả việc thống kê tự động từ Web of Science cũng không chuẩn xác do cách ghi tên của các tổ chức nghiên cứu không đồng nhất). Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có các nghiên cứu với quy mô lớn và bài bản hơn, trong đó có đủ nguồn lực để xây dựng Siêu dữ liệu (Metadata) hỗ trợ một cách tuyệt đối cho việc làm sạch dữ liệu trước khi tiến hành thống kê, phân tích.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15527/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)