Nghiên cứu đánh giá hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thủy điện
Cập nhật vào: Thứ tư - 03/11/2021 04:24 Cỡ chữ
ThS. Trần Vũ cùng các cộng sự tại Viện năng lượng trực thuộc Bộ Công Thương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực thủy điện” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2019.
Đề tài nhằm mục tiêu xác định được danh mục các TCVN và QCVN liên quan đến các hoạt động xây dựng và quản lý khai thác các công trình thủy điện cần phải sửa đổi, bổ sung, biên soạn lại hoặc xây dựng mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và trình độ khoa học công nghệ ở trong nước và thế giới.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
- Đã nghiên cứu khảo sát thực địa tại 13 công trình đại diện cho các vùng miền, đại diện về quy mô, loại hình công trình đập chắn nước tạo hồ và chức năng nhiệm vụ của công trình. Kết quả nghiên cứu cho thấy các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đã ban hành góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý khi thác các công trình thủy điện trong những năm qua. Kết quả nghiên cứu điển hình cũng chỉ ra được những mâu thuẫn, những bất cập và tồn tại trong quá trình nghiên cứu biên soạn và áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn trong các hoạt động xây dựng nói chung và xây dựng công trình thủy điện nói riêng.
- Đã nghiên cứu cơ sở khoa học 04 nguyên tắc cơ bản và 04 tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp của các TCVN và QCVN đã ban hành liên quan đến các hoạt động xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy điện so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy:
i) Về thời gian ban hành: Tất cả 27 QCVN đều được ban hành trong 10 năm trở lại đây. Trong tổng số 643 TCVN chỉ có 5,75% là xây dựng mới. Số tiêu chuẩn được soát xét ban hành lại theo Luật số 68 chiếm 48,06%, nhưng chỉ rất ít trong số này sau đó được soát xét và ban hành lại lần 2. Có 46,19% số tiêu chuẩn ban hành trước năm 2007 nhưng vẫn chưa được soát xét ban hành lại, trong đó 35,93% có thời gian ban hành trên 20 năm và 4,04% có thời gian ban hành trên 40 năm. Hầu hết tiêu chuẩn ban hành trên 20 năm đều lạc hậu, không (hoặc rất ít) được sử dụng.
ii) Tính đầy đủ và đồng bộ: Đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng kiểm soát và nâng cao chất lượng công trình. Tuy nhiên mức độ và phạm vi bao phủ lại không đồng đều, có lĩnh vực còn mỏng và thiếu các quy định cụ thể. Có những đối tượng quan trọng lại.không có tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào.
iii) Mức độ áp dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN): Các QCVN đều ban hành sau năm 2007 có mức độ áp dụng tiến bộ KHCN khá cao. Trong tổng số 643 TCVN thì có 53,81% xây dựng mới và ban hành lại theo Luật số 68, đều có áp dụng tiến bộ KHCN. Những tiêu chuẩn xây dựng mới đều là sản phẩm khoa học công nghệ hoặc được xây dựng trên cơ sở tài liệu kỹ thuật mới nhất của nước ngoài. Trong tổng số 297 tiêu chuẩn chưa được ban hành lại theo Luật số 68 có 35 tiêu chuẩn ISO, BS, IEC, ASTM, hoặc SEV. Những tiêu chuẩn này hoặc chưa có phiên bản mới, hoặc đã có nhưng chưa được cơ quan có trách nhiệm tìm hiểu để cập nhật. Trong số 262 tiêu chuẩn còn lại, có 215 tiêu chuẩn ban hành cách đây trên 20 năm, mặc dù có nhiều tiêu chuẩn trong số đó vẫn còn được sử dụng, nhưng do được xây dựng trên cơ sở nền tảng công nghệ cũ, chưa được cập nhật các tiến bộ KHCN có liên quan.
iv) Hài hòa tiêu chuẩn quốc tế: Trong tổng số 643 TCVN chỉ có 8,86% được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn của quốc tế và khu vực. Khoảng 91,14% số tiêu chuẩn còn lại không đáp ứng được yêu cầu hài hòa tiêu chuẩn quốc tế.
4) Các QCVN và TCVN đã ban hành chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình thủy điện. Không ít đối tượng có rất nhiều tiêu chuẩn, trong số đó có tiêu chuẩn đã lạc hậu nhưng chưa được cập nhật và nâng cấp về nội dung; có tiêu chuẩn mà nội dung của nó có sự trùng lặp ở các mức độ khác nhau. Ngược lại, không ít lĩnh vực và đối tượng quan trọng lại có rất ít tiêu chuẩn và quy chuẩn. Các lĩnh vực chính sau đây vẫn chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào: i) Quy hoạch xây dựng công trình thủy điện; ii) Thiết kế, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị trong các nhà máy thủy điện; và iii) Quản lý, vận hành khai thác và duy tu bảo dưỡng công trình thủy điện.
Kết quả của đề tài sẽ giúp nâng cao chất lượng các hoạt động liên quan đến xây dựng công trình thủy điện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16791/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)