Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Cập nhật vào: Thứ tư - 12/05/2021 05:58 Cỡ chữ
Khu Dư trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai có diện tích gần 1 triệu ha, gồm vùng lõi là hai khu rừng đặc dụng, vùng đệm và vùng chuyển tiếp là các rừng phòng hộ và rừng sản xuất được quản lý bởi các chủ rừng khác nhau. Đây cũng là khu DTSQ thế giới do đó khu DTSQ Đồng Nai phải đảm bảo 3 chức năng đã được thiết kế, gồm: chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ.
Việc đảm bảo 3 chức năng trên là thách thức với Khu DTSQ Đồng Nai do rừng phân bố trên quy mô lớn, dưới các chủ quản lý khác nhau và sự phức tạp của cộng đồng dân cư trong khu vực. Thực tế quản lý rừng ở các phân vùng của Khu DTSQ Đồng Nai đã đối mặt với các thách thức không giống nhau. Nhiều diện tích rừng bị ảnh hưởng nặng nề hoặc do các điều kiện khác nhau khiến rừng phục hồi tự nhiên chậm. Khi rừng chưa đạt đến mức phục hồi thì các chức năng bảo tồn, phòng hộ của rừng cũng không được đảm 4 bảo. Bởi vậy, hiểu biết về diễn thế phục hồi rừng để giúp định hướng các biện pháp kỹ thuật tác động giúp thúc đẩy phục hồi rừng là rất cần thiết. Ở vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu DTSQ Đồng Nai, rừng tự nhiên còn lại chủ yếu được quản lý bởi các ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH). Mật độ dân cư ở các vùng này lớn nhưng lực lượng quản lý và bảo vệ rừng hạn chế nên thực trạng quản lý rừng ở đây đang đối mặt với nhiều sức ép. Ví dụ, ở BQLRPH Tân Phú, do tài nguyên rừng hiện còn nhiều gỗ quý nên tình trạng khai thác trái phép đang là một vấn đề rất nổi cộm. Việc quản lý các diện tích rừng còn nhiều giá trị bảo tồn cao ở vùng đệm cần được quan tâm và các giải pháp bảo tồn cho những diện tích này cần dựa trên cơ sở khoa học. Bởi vậy vấn đề cấp bách đặt ra đối với Khu DTSQ Đồng Nai là hiểu được cơ sở khoa học và giải pháp bảo tồn các diện tích rừng có giá trị bảo tồn cao này.
Nhằm xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho quản lý rừng bền vững, đề xuất các biện pháp phục hồi rừng và các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển cũng như xây dựng được các công cụ hỗ trợ quản lý rừng từ các kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu liên ngành do TS Trần Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai”.
Sau một thời gian triển khai, nhóm đề tài đã đạt được các kết quả như sau:
- Đề tài đã xác định được 8 chuỗi diễn thế của hai kiểu rừng chủ yếu ở Khu DTSQ Đồng Nai: rừng cây gỗ lá rộng thường xanh và rừng cây gỗ lá rộng nửa rụng lá. Các loại diễn thế rừng phục hồi ở Khu DTSQ Đồng Nai được xác định dựa trên tổng hợp các phương pháp khách quan hiện đang được áp dụng trên thế giới nên kết quả có độ tin cậy cao.
Điểm mới của đề tài là đã đưa ra căn cứ khoa học cho mối quan hệ giữa trữ lượng và tổ thành rừng và từ đó cho phép sử dụng trữ lượng như là một chỉ tiêu gián tiếp phản ánh sự thay đổi tổ thành thực vật trong quá trình diễn thế. Cách tiếp cận về phương pháp của đề tài cũng được khái quát hoá để có thể áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu diễn thế phục hồi rừng ở Việt Nam. Nghiên cứu các hệ sinh thái-xã hội ở khu vực và tương tác giữa cộng đồng với rừng đã xác định được hai nhóm cộng đồng với các tác động đặc trưng đến rừng. Từ kết quả nghiên cứu đề tài cũng chỉ ra được các tồn tại trong một số chính sách hiện 22 đang được áp dụng ở khu vực và đưa ra những khuyến nghị nhằm hài hoà sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng và sự phát triển của rừng.
- Đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá mức độ phục hồi rừng dựa trên kết quả nghiên cứu và cách tiếp cận mới nhất trên thế giới. Kết quả đánh giá sau khi áp dụng bộ tiêu chí này sẽ hỗ trợ quá trình ra quyết định trong quản lý và bảo tồn rừng. Nó cũng giúp xác định các diện tích rừng cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tác động để đảm bảo phát triển của rừng theo đúng chiều hướng diễn thế phục hồi.
- Đã xây dựng bản đồ hiện trạng rừng và bản đồ các giai đoạn diễn thế cho cả Khu DTSQ Đồng Nai. Sổ tay hướng dẫn đánh giá mức độ phục hồi rừng, Sổ tay nhận biết các loài thực vật phổ biến và Chương trình quản lý dữ liệu và tính toán các chỉ tiêu trong điều tra rừng sẽ trợ giúp Khu DTSQ Đồng Nai cho việc điều tra, quản lý và tính toán số liệu điều tra và phục vụ cho việc xác định các giai đoạn diễn thế và mức độ phục hồi rừng trong tương lai. Sử dụng các công cụ này, Khu DTSQ Đồng Nai có thể tự điều tra, đánh giá mức độ phục hồi rừng mà ít cần đến sự hỗ trợ của chuyên gia.
Mặc dù đề tài không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, nhưng các kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị thực tiễn cao. Áp dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài thông qua một số chính sách sẽ giúp bảo tồn rừng hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển kinh tế và ổn định đời sống của cộng đồng sống gần rừng.
Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, Đề tài cũng tồn tại một số hạn chế như bộ tiêu chí đánh giá mức độ phục hồi rừng, bản đồ diễn thế và chương trình quản lý số liệu điều tra chưa được kiểm tra và hoàn thiện ở hiện trường. Nghiên cứu về đất và động vật hiện chưa đầy đủ nên hiểu biết về tương tác giữa các thành phần này với thành phần thực vật trong quá trình diễn thế hiện còn hạn chế vì thế chưa đề xuất được các biện pháp quản lý phù hợp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số15717/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
diện tích, chuyển tiếp, sản xuất, quản lý, thế giới, đảm bảo, thiết kế, phát triển