Nghiên cứu đặc tính và khả năng ứng dụng một số loại khoáng sét bentonite ở Việt Nam làm nguyên liệu để chế tạo vật liệu xúc tác dạng mao quản nhằm loại bỏ các hợp chất chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cập nhật vào: Thứ sáu - 24/07/2020 14:23 Cỡ chữ
Từ năm 2016 đến năm 2018, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất do PGS.TS. Phạm Xuân Núi làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đặc tính và khả năng ứng dụng một số loại khoáng sét bentonite ở Việt Nam làm nguyên liệu để chế tạo vật liệu xúc tác dạng mao quản nhằm loại bỏ các hợp chất chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Đề tài đặt ra hai mục tiêu. Một là xác định đặc tính cấu trúc, thành phần pha hoạt tính trong khoáng sét tự nhiên Việt Nam thích ứng để chế tạo được vật liệu cấu trúc mao quản trung bình có hoạt tính xúc tác. Trên cơ sở đó, sử dụng vật liệu tổng hợp được làm xúc tác cho quá trình tách loại hợp chất chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu xuống mức thấp nhất trong điều kiện “mềm”. Hai là xác định được bản chất của tương tác giữa các tâm hoạt tính của vật liệu xúc tác với hợp chất lưu huỳnh trong nhiên liệu, đồng thời, thiết lập và đưa ra được cơ chế phân hủy hợp chất trung gian và sản phẩm cuối cùng hợp chất chứa lưu huỳnh trong mẫu nhiên liệu mô hình.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đã xác định được thành phần, cấu trúc và đặc tính của sét Di Linh trên lãnh thổ Việt Nam có thành phần pha khoáng (silica, alumina) phù hợp cho quá trình chế tạo vật liệu cấu trúc mao quản;
- Đã xác định được các điều kiện tách nguồn silica (SiO2) phù hợp để xây dựng mô hình cơ chế trên cơ sở cấu trúc khung khoáng sét và thành phần pha nhằm tạo được vật liệu mao quản có các đặc tính xúc tác phù hợp sử dụng để tách loại lưu huỳnh trong nhiên liệu;
- Đã xác định được tiềm năng ứng dụng của khoáng bentonite và vai trò của pha khoáng sét hoạt động; tìm ra mối tương tác giữa pha hoạt động với hợp chất chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu. Đưa ra được cơ chế cũng như mô hình tách loại lưu huỳnh trong mẫu nhiên liệu mô hình, từ đó, định hướng áp dụng vào thực tiễn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15209) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)