Nghiên cứu công nghệ xử lý, tái sử dụng chất thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - Thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh
Cập nhật vào: Thứ ba - 11/05/2021 04:52 Cỡ chữ
Ở nước ta, nước thải sinh hoạt chủ yếu được đưa qua bể tự hoại trước khi thải bỏ ra cống chung, tuy nhiên với hình thức xử lý như vậy nước thải sinh hoạt không đảm bảo tiêu chuẩn và gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Do đó, việc mở rộng và đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt tập trung để thu gom và xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường là một trong những vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng. Bên cạnh các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt hiện hữu, có nhiều nhà máy XLNT sinh hoạt tập trung quy mô lớn đang được xây dựng trên các tỉnh thành của cả nước với kinh phí từ nguồn vốn ODA và Ngân hàng Thế giới tài trợ như: nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt của các thành phố Quy Nhơn, Nha Trang, Đồng Hới… Ngoài ra, nhiều nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đang nằm trong quy hoạch ở một số khu vực, các tỉnh thuộc các lưu vực sông.
Các công đoạn của quy trình công nghệ xử lý nước thải có thể sinh ra các chất thải khác nhau như: rác thải, cặn nặng, cát (từ quá trình xử lý bậc 1); bùn thải (từ bể lắng 1 và bể lắng 2), hóa chất dư thừa… Các chất thải này có thành phần phức tạp, và khả năng gây ô nhiễm môi trường cao. Trong đó, bùn thải là vấn đề đáng lo ngại nhất đối với các trạm xử lý nước thải. Trong bùn thải này cũng chứa đồng thời các chất ô nhiễm và các vi sinh vật (vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng) do đó nếu bùn không được quản lý và xử lý hợp lý thì không những sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn lãng phí mất một nguồn tài nguyên có giá trị sử dụng cao.
Nhằm nghiên cứu và đề xuất các biện pháp quản lý, xử lý và tái sử dụng các chất thải và bùn thải bùn thải hợp vệ sinh cũng như đề xuất giải pháp chuyển hóa bùn thải này thành các sản phẩm phụ có lợi ích về kinh tế và ý nghĩa về môi trường. Đồng thời, đề xuất các văn bản pháp quy quy định về việc quản lý, xử lý và tái sử các chất thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, nhóm thực hiện đề tài do TS. Đinh Thị Nga, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ xử lý, tái sử dụng chất thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở một số tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - Thí điểm tại Tp. Hồ Chí Minh”.
Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Kết quả điều tra thông tin về các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung
- Kết quả khảo sát cho thấy, hiện này cả nước có 24 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đang hoạt động với tổng công suất 598.252 m3/ngày đêm và 49 trạm đang xây dựng với tổng công suất là 1.997.835 m3/ngày đêm, ước tính tổng lượng bùn khô thải ra là 597 tấn/ngày.
- Từ kết quả tổng hợp về hiện trạng phát sinh bùn thải và phương pháp xử lý bùn hiện hữu cũng như các vấn đề môi trường cho thấy phương pháp xử lý phổ biến ở các nhà máy là tách nước rồi chôn lấp, một số nhà máy đã thực hiện hoặc định hướng sử dụng bùn làm phân compost hoặc ủ biogas nhưng mang tính tự phát. Vấn đề từ mùi hôi từ quá trình quản lý bùn thải xảy ra phổ biến ở các trạm xử lý trên cả nước.
2. Kết quả khảo sát các chất thải phát sinh trong quy trình công nghệ xử lý nước thải
- Qua kết quả khảo sát và đánh giá cho thấy hiện trạng các chất thải phát sinh trong quy trình công nghệ tại các trạm xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng ngày càng tăng lên gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
- Hiện nay, các chất thải phát sinh trong quy trình công nghệ tại các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn Thành phố Hổ Chí Minh chủ yếu là được thu gom, lưu trữ tại trạm và sau đó sẽ được đơn vị xử lý bên ngoài vận chuyển về nơi xử lý theo định kỳ. Công tác quản lý chất thải phát sinh tại các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung vẫn còn lỏng lẽo do các trạm xử lý nước thải chỉ tập trung đến vấn đề xử lý nước thải đầu ra mà chưa quan tâm đến việc quản lý chất thải phát sinh và các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa được quy định cụ thể về vấn đề quản lý chất thải phát sinh trong trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
- Thành phần bùn của cả hai nhà máy không có sự khác biệt nhiều, các chỉ tiêu khá đồng đều nhau. Bùn thải có hàm lượng carbon hữu cơ cao, tỷ lệ C:N 145 khoảng 9:1, hàm lượng các kim loại nặng thấp, nhiều kim loại nặng không phát hiện trong bùn thải.
3. Kết quả nghiên cứu quá trình phân hủy kỵ khí sản xuất biogas từ bùn thải sinh học Kết luận về quá trình vận hành mô hình xử lý kỵ khí sản xuất biogas ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot cho thấy:
- Bùn thải sinh học từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có tiềm năng cao trong việc sử dụng để sản xuất khí sinh học để thu hồi và chuyển hóa thành các dạng năng lượng hữu ích.
- Việc vận hành mô hình xử lý kỵ khí bùn thải sinh học ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot ở mức tải trọng bùn 4 kg VS/m3 ngày là phù hợp, đảm bảo sự vận hành ổn định với mức sản xuất khí sinh học cao.
- Bùn thải đầu ra từ quá trình ủ sinh học kỵ khí vẫn còn chứa hàm lượng chất hữu cơ và chất dinh dưỡng cao, có thể tiếp tục xử lý ở các bước tiếp theo để tăng hiệu quả tái sử dụng bùn thải.
Từ các kết quả này, đề tài kiến nghị cần xây dựng và áp dụng các giải pháp thích hợp cho việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh đồng thời xây dựng được hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phù hợp với quá trình phát triển của địa phương mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người và môi trường xung quanh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15775/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)