Nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị chế biến các sản phẩm từ quả hồi đạt chất lượng xuất khẩu
Cập nhật vào: Thứ năm - 05/09/2024 00:09 Cỡ chữ
Trong nhiều năm qua, cây Hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài của tỉnh Lạng Sơn và một số huyện của tỉnh Cao Bằng, tỉnh Quảng Ninh. Đây là cây trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào thiểu số miền núi tại khu vực trồng hồi và nguồn ngân sách địa phương.
Hiện nay, việc thu hoạch hoa hồi để làm nguyên liệu cho sản xuất tinh dầu hồi chủ yếu là thủ công, theo kinh nghiệm của đồng bào địa phương mà chưa có nghiên cứu về thời gian thu hoạch, kỹ thuật thu hoạch, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Vì vậy, ThS. Đặng Ngọc Khải cùng các cộng sự tại Công ty cổ phần thiết bị chuyên dùng Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị chế biến các sản phẩm từ quả hồi đạt chất lượng xuất khẩu” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu tạo ra được công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến quả hồi khô và tinh dầu hồi đạt yêu cầu xuất khẩu, có giá thành cạnh tranh; làm chủ được tính toán thiết kế, chế tạo được hệ thống thiết bị sấy quả hồi tiết kiệm năng lượng, hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi sử dụng hơi quá nhiệt tự động hóa chế độ chưng cất có hiệu suất thu hồi cao, hệ thống tinh chế tinh dầu hồi đạt chất lượng xuất khẩu sang EU và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đề tài đã rút ra một số kết luận sau:
- Đã làm chủ được công nghệ thiết kế, công nghệ chế tạo một số thiết bị chế biến các sản phẩm từ quả hồi, làm chủ được xây dựng chương trình điều khiển toàn bộ hoạt động của hệ thống sấy, chưng cất và tinh chế tinh dầu hồi đề tài đã tích hợp công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong cơ khí, điện và tự động hóa để thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị sấy, chưng cất, tinh chế có tỷ lệ nội địa hóa 90-95%.
- Đã thiết kế chế tạo máy thu hái quả hồi cho năng suất và chất lượng đạt yêu cầu trong thuyết minh đã được phê duyệt, thiết bị đã được khảo nghiệm tại Lạng Sơn.
- Đã thiết kế, chế tạo, lắp ráp và hoàn thiện hệ thống thiết bị sấy khô quả hồi, hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hồi, hệ thống thiết bị tinh chế tinh dầu hồi, các thiết bị đã được lắp đặt và áp dụng vào sản xuất tại hợp tác xã Văn Quan xanh Lạng Sơn, các hệ thống được thiết kế chế tạo đạt và vượt thông số kỹ thuật so với thuyết minh đã được phê duyệt.
- Đã lắp đặt và khảo nghiệm hệ thống sấy khô quả hồi, hệ thống chưng cất tinh dầu hồi, hệ thống tinh chế tinh dầu hồi, kết quả khảo nghiệm đã xác định được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các hệ thống, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của các hệ thống đều đạt yêu cầu so với thuyết minh đã được phê duyệt, kết quả khảo nghiệm đã xác định được năng suất sấy, công suất chưng cất và tinh chế, chất lượng tinh dầu sau tinh chế, chất lượng quả hồi khô sau sấy đạt yêu cầu xuất khẩu. Từ kết quả khảo nghiệm cho thấy các hệ thống thiết bị do đề tài thiết kế chế tạo bước đầu có thể đưa vào sản xuất được.
- Đã chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ quả hồi, kỹ thuật sử dụng vận hành cho hợp tác xã Văn Quan, Lạng Sơn để hợp tác xã đưa vào sử dụng trong sản xuất, kết quả sử dụng các thiết bị này vào sản xuất cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, các thiết bị hoạt động ổn định.
Kết quả đề tài đã tạo ra công nghệ và hệ thống thiết bị đồng bộ từ khâu thu hái, bảo quản, chế biến các sản phẩm Hồi ở Việt Nam, công nghệ và dây chuyền thiết bị hiện đại, năng suất và chất lượng đạt yêu cầu xuất khẩu. Đây là mô hình thiết bị để nhân rộng phát triển thêm nhiều dây chuyền sản xuất các sản phẩm hồi nữa, để chế biến hết sản lượng hoa hồi thu hái hàng năm, từ đó không phải xuất nguyên liệu thô, nhờ đó gia tăng được giá trị sản phẩm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19976/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)