Nghiên cứu công nghệ tái chế dung môi isopropanol đã qua sử dụng trong công nghiệp điện tử
Cập nhật vào: Thứ tư - 10/02/2021 22:24 Cỡ chữ
Việt Nam là một nước đang phát triển, các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp các thiết bị điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh và nhu cầu sử dụng dung môi có độ sạch cao trong quá trình làm sạch linh kiện cũng rất lớn. Trong đó, isopropanol là một trong những dung môi được sử dụng khá phổ biến trong ngành này. Theo thống kê của cục Hải quan, lượng dung môi IPA nhập khẩu vào Việt Nam trong những năm gần đây khoảng 4.000 tấn/năm, trong đó, khoảng 10% được sử dụng cho ngành điện tử. Do đặc thù của quá trình làm sạch các chi tiết trong ngành điện tử, lượng dung môi IPA đã qua sử dụng rất ít bị thất thoát nên hầu như toàn bộ lượng dung môi IPA đã qua sử dụng đều được thu hồi trở lại. Hệ quả là, hàng năm, một lượng lớn dung môi IPA đã qua sử dụng được thu gom và ước tính sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều chưa có công nghệ để xử lý dung môi IPA đã qua sử dụng. Điều này gây lãng phí một lượng lớn nguyên liệu và tiêu tốn ngoại tệ do vẫn phải nhập dung môi IPA mới. Chính vì vậy, tinh chế dung môi IPA đã qua sử dụng thành dung môi IPA có độ sạch cao (≥ 99,3%), tái sử dụng làm dung môi cho ngành điện tử tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về khoa học cũng như kinh tế.
Ở Việt Nam, chưa có công bố nào liên quan đến nghiên cứu công nghệ tái chế dung môi IPA đã qua sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử. Chính vì thế, nhằm xây dựng được qui trình công nghệ tái chế dung môi isopropanol đã qua sử dụng trong công nghiệp điện tử, nhóm nghiên cứu do ThS. Bùi Duy Hùng, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc, hóa dầu đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ tái chế dung môi isopropanol đã qua sử dụng trong công nghiệp điện tử”.
Sau một thời gian ngắn, từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2018, nhóm đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã nghiên cứu thiết lập qui trình công nghệ tái chế, sản xuất dung môi isopropanol có độ sạch cao từ dung môi đã qua sử dụng, dung môi sau tinh chế có độ tinh khiết ≥99,3%, chỉ chứa IPA và nước, chỉ có mùi của IPA, sản phẩm IPA sau tinh chế có thể tái sử dụng làm dung môi cho ngành công nghiệp điện tử.
- Đã xây dựng được qui trình công nghệ tái chế dung môi IPA đã sử dụng bằng phương pháp hấp phụ trên vật liệu zeolite, qui mô pilot 500 lit sản phẩm/mẻ. Qui trình ổn định, hiệu suất của cả quá trình tinh chế IPA đạt 62%. Sản phẩm của quá trình đạt yêu cầu làm dung môi cho ngành công nghiệp điện tử. Đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm dung môi IPA được điều chế từ qui trình này.
- Đã điều chế thử nghiệm 500 lít dung môi IPA từ qui trình đã xây dựng, dung môi IPA sau tinh chế đạt độ tinh khiết ≥ 99,3%, không phát hiện thấy tạp chất hữu cơ, khoảng nhiệt độ chưng cất nằm trong khoảng 82,0 - 82,8 oC, độ màu (Alpha) < 5, khối lượng riêng (20/20 oC) của sản phẩm sau tinh chế đạt 0,7865, không có mùi lưu lại trên que thử sau khi isopropanol đã bay hơi. Chất lượng của 3 dung môi IPA sau tinh chế đáp ứng đầy đủ các yếu tố để tái sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử.
- Đề tài đã sơ bộ đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, môi trường qui trình công nghệ tái chế dung môi IPA đã qua sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử và đề xuất phương án, ứng dụng triển khai ở quy mô lớn hơn.
- Đã đăng kí 01 giải pháp hữu ích bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam với nội dung: “Quy trình tái chế dung môi IPA thải của ngành công nghiệp điện tử”. Số đơn 2-2018-00424 ngày 13/11/2018, quyết định chấp nhận đơn hợp lệ số 81338/QĐ-SHTT ngày 13/11/2018.
Các kết quả đề tài cho thấy việc tái chế và nâng cao giá trị sử dụng của dung môi IPA đã qua sử dụng trong công nghiệp điện tử mang lại hiệu quả cao và ý nghĩ về kinh tế-kỹ thuật và môi trường. nhóm đề tài mong muốn được hỗ trợ tiếp tục thực hiện Dự án hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm tái chế dung môi isopropanol đã sử dụng trong công nghiệp điện tử với công suất 500 m3 dung môi IPA sạch/năm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15571/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)