Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm tất cho người bị bệnh suy tĩnh mạch
Cập nhật vào: Thứ tư - 14/04/2021 12:54 Cỡ chữ
Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính là một bệnh rất phổ biến trên thế giới. Tại Mỹ hơn 80 triệu người mắc bệnh liên quan đến tĩnh mạch và hơn 60% người mắc bệnh này ở tuổi trưởng thành. Ở các nước châu Á tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh suy tĩnh mạch cũng đã tăng lên do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống. Ở Nhật Bản tỷ lệ mắc bệnh hơn 40%, thấp hơn so với Mỹ và châu Âu nhưng cao hơn so với châu Phi.
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, trong các phương pháp điều trị bệnh nhân, người ta thường được kết hợp với việc đeo tất nén đàn hồi y tế (tất nén). Tất nén là phương pháp chủ lực để giúp máu tĩnh mạch lưu thông. Áp lực nén của tất có thể làm giảm sưng nhanh chóng và làm giảm các triệu chứng bệnh, hỗ trợ các biện pháp điều trị nội khoa và phòng ngừa tái phát. Những bệnh nhân bị phù nề, suy tĩnh mạch giảm albumine máu cũng có thể được cải thiện từ việc sử dụng tất nén, do tác dụng nén của tất có thể làm giảm sưng.
Hiện tại, các sản phẩm dệt may phục vụ hỗ trợ điều trị bệnh nói chung và bệnh suy tính mạch nói riêng hầu như chưa được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài và nhập khẩu về Việt nam. Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may trong nước từ việc nghiên cứu thiết kế mặt hàng, quy trình công nghệ sản xuất tất nén dành cho người bị bệnh suy tĩnh mạch, từ năm 2017 đến 2019, nhóm nghiên cứu tại Công ty Cổ phần - Viện Nghiên Cứu dệt may do ThS. Trần Duy Lạc làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm tất cho người bị bệnh suy tĩnh mạch” trên dây chuyền thiết bị sẵn có của Việt Nam nhằm đa dạng hóa sản phẩm dệt may trong nước đồng thời giúp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh.
Một số kết quả của đề tài:
- Lựa chọn được nguyên liệu, kiểu dệt phù hợp để sản xuất tất nén.
- Thử nghiệm mẫu nhỏ trong phòng thí nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ tẩy nhuộm hoàn tất sợi từ nguyên liệu polyamit và bông, hiệu chỉnh thông số công nghệ cho phù hợp với các điều kiện hiện có tại các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.
- Xây dựng được quy trình công nghệ dệt và hoàn tất tất nén.
- Lựa chọn mặt hàng, thiết kế và triển khai dệt vải dệt kim phù hợp tại Công ty Cổ phần Xương Rồng Xanh, các chỉ tiêu cơ lý hóa đạt yêu cầu đặt ra của đề tài.
- Triển khai tẩy tất nén cho bệnh suy tính mạch tại Công ty Cổ phần Xương Rồng Xanh (sản xuất dệt, nhuộm và hoàn tất 2.010 đôi tất.
Kết quả của đề tài cho thấy sản phẩm tất nén cho bệnh suy tĩnh mạch đã được nhiều người biết đến và sử dụng. Nếu hoàn thiện được công nghệ sản xuất tất nén này sẽ có cơ hội cạnh tranh được các sản phẩm tất nén mà Việt nam đang phải nhập khẩu
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16220/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)