Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/01/2024 12:03 Cỡ chữ
Đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều kỳ chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội và mỗi chiến lược lại được xây dựng dựa trên bối cảnh và điều kiện cụ thể. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 được ban hành năm 2011 được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng để có căn cứ đánh giá đúng kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, không chỉ cần có cái nhìn khách quan, toàn diện, mà còn phải xem xét kỹ bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2011-2020, đặc biệt là những vấn đề mới nảy sinh trong giai đoạn này mà trước đây chưa lường hết, nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Việc xây dựng chiến lược trong từng ngành, cụ thể là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội cũng cần được bàn thảo ngay từ đầu, cả từ cách tiếp cận, phương pháp đánh giá việc thực hiện những nhiệm vụ của Chiến lược trước đây, xem xét tác động của những yếu tố mới về tình hình trong nước và quốc tế, từ đó xác định mục tiêu và “đường đi nước bước” cho kỳ chiến lược tiếp theo. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Đào Quang Vinh tại Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030” trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài nhằm mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học và bằng chứng thực tiễn cho việc tổng kết chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021- 2025 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Đề tài đã thu được các kết quả như sau:
1. Tổng quan cơ sở lý luận về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm các lý thuyết cơ bản về xây dựng chiến lược và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chiến lược.
2. Tổng kết thực tiễn trên cơ sở đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong 12 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, bao gồm: tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu; thể chế hóa và tổ chức thực hiện.
3. Đề xuất định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đề tài đã xác định mục tiêu cụ thể đến 2030 cho các lĩnh vực của ngành, đề xuất 3 giải pháp tổng thể và 40 giải pháp cụ thể triển khai xây dựng chiến lược phát triển ngành đến 2030.
Mặc dù về cơ bản đề tài đã hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu, song vẫn còn một số hạn chế như dự báo các yếu tố tác động, dự báo các chỉ tiêu về lao động người có công và xã đến 2030, những xu thế trong tương lai có thể chưa lường trước được hết... Quá trình nghiên cứu còn ít các đánh giá tác động, một số tiêu chí về thị trường lao động và an sinh xã hội được đánh giá chưa sâu, thiếu số liệu thực tế. Trong tương lai cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19578/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)