Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng, ban hành khung chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp
Cập nhật vào: Thứ ba - 16/05/2023 00:21 Cỡ chữ
Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; góp phần bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng trong sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước kiến tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường của doanh nghiệp thông qua ban hành cơ chế, chính sách và hỗ trợ một phần kinh phí; doanh nghiệp chủ động đầu tư triển khai thực hiện, áp dụng khung chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế trên, năm 2019, ThS. Trần Thị Thúy Hà đã phối hợp với nhóm nghiên cứu tại Vụ Đo lường thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng, ban hành khung chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp”.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Khung Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp; phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được các sản phẩm khoa học như sau:
1. Nghiên cứu tổng quan kinh nghiệm của nước ngoài và xu hướng xây dựng chương trình đảm bảo đo lường của một số nước trên thế giới.
2. Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng về hoạt động tự đảm bảo đo lường trong một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
3. Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng về hoạt động tự đảm bảo đo lường của doanh nghiệp sản xuất công tơ điện, đồng hồ nước, cân đồng hồ lò xo.
4. Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng về hoạt động tự đảm bảo đo lường của doanh nghiệp sản xuất ô tô; sản xuất, kinh doanh than; sản xuất, kinh doanh xi măng; sản xuất, kinh doanh thép.
5. Dự thảo tờ trình và dự thảo Quyết định ban hành Khung Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Các sản phẩm khoa học nêu trên đã đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu khoa học đặt ra trong Thuyết minh đề án được phê duyệt tại Quyết định số 2159/QĐ-TĐC ngày 18/12/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2019 “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng dự thảo Khung Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”. Dự thảo Khung Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp và dự thảo đã được hoàn thiện để gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18370/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)