Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Luật biến đổi khí hậu của Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 30/09/2024 00:07 Cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây vượt xa mức được ghi nhận là kỷ lục trước đó. Tại Việt Nam, BĐKH đang có diễn biến ngày càng phức tạp, các tác động tiêu cực của BĐKH tại Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn nhiều so với các mô hình dự báo. BĐKH đang là một trong các thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam. Không ứng phó hiệu quả với BĐKH, thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được. Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, giải quyết yêu cầu của thực tiễn trong công tác ứng phó với BĐKH, công tác quản lý nhà nước về BĐKH trong nước cần được chú trọng, tăng cường, trong đó, đặc biệt việc nghiên cứu, tiến tới xây dựng Pháp luật BĐKH tạo hành lang pháp lý về BĐKH cần được triển khai.
Trên bình diện quốc tế, tình hình chính sách quốc tế về BĐKH thời gian qua cũng có nhiều thay đổi; Thoả thuận Paris về BĐKH được thông qua; chính sách về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) toàn cầu đã áp dụng cho tất cả các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải KNK nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Việt Nam cũng có các trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc khác trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Thoả thuận Paris về BĐKH như việc định kỳ thực hiện kiểm kê, xây dựng Thông báo quốc gia, cập nhật rà soát NDC... Bên cạnh những cơ hội có được, việc tham gia Thoả thuận Paris cũng đặt ra nhiều thách thức. Để biến các thách thức thành cơ hội, tận dụng hiệu quả chính sách toàn cầu về BĐKH, các yêu cầu về hoàn thiện chính sách pháp luật, công cụ quản lý, kế hoạch thích ứng quốc gia, quy định ứng phó liên ngành, liên lĩnh vực, vận hành thị trường các-bon, cũng như yêu cầu nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ công tác ứng phó với BĐKH trong nước... đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi cần có quy định pháp luật cụ thể về BĐKH, nhằm tạo ra khung pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BĐKH, triển khai hiệu quả cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo NDC, thúc đẩy thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH tại Việt Nam.
Để góp phần xây dựng nền tảng, yêu cầu cho công tác nghiên cứu xây dựng Luật BĐKH, cơ sở lý luận và thực tiễn đóng vai trò quan trọng xây dựng các luận điểm và nhiệm vụ cụ thể cần thiết cho một hệ thống luật hoàn chỉnh. Từ tính cấp thiết này, ThS. Nguyễn Hữu Tài cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm ứng phó Biến đổi khí hậu thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Luật BĐKH của Việt Nam” với mục tiêu đề xuất được cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Luật biến đổi khí hậu.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đã tiến hành nghiên cứu cơ sở lý luận xây dựng pháp luật biến đổi khí hậu thông qua việc phân tích cơ sở lý luận xây dựng các pháp luật môi trường, cách tiếp cận xây dựng pháp luật BĐKH và so sánh lý thuyết với việc xây dựng pháp luật chuyên ngành khác liên quan đến BĐKH, cơ sở lý luận để xác định các nội dung dự kiến đưa vào Luật BĐKH;
- Đã nghiên cứu cơ sở thực tiễn xây dựng pháp luật BĐKH thông qua việc nghiên cứu, phân tích văn kiện, quy định, điều ước quốc tế về BĐKH, bảo vệ tầng ô-dôn Việt Nam tham gia, các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách có liên quan về BĐKH và phân tích, đánh giá hiện trạng, tình hình triển khai của các hoạt động ứng phó BĐKH;
- Đã tiến hành nghiên cứu xác định các vấn đề quan trọng, công cụ quản lý nhà nước dự kiến đưa vào khung dự thảo pháp luật BĐKH và dự thảo khung luật BĐKH của Việt Nam;
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20215/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)