Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động hỗ trợ tín dụng của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Cập nhật vào: Thứ tư - 12/08/2020 23:24 Cỡ chữ
Luật chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, tại Điều 39 đã quy định thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây gọi tắt là Quỹ) để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao và thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ ở nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nghị định số 133/2008/NĐCP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ đã giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ.
Việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực công nghệ và cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta. Quỹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế theo chiều sâu và đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH của đất nước.
Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Với cơ chế hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi, Quỹ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp sẵn sàng mạo hiểm, đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Việc thành lập Quỹ thể hiện quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển KT-XH của Đảng và Nhà nước.
Để Quỹ nhanh chóng đi vào hoạt động theo đúng các chức năng đã được phê duyệt, năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã cùng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý tài chính đối với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia số 120/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2014. Tuy nhiên, Thông tư này không bao gồm việc hướng dẫn quản lý tài hính đối với các hoạt động tín dụng về cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn của Quỹ. Lý do lớn nhất của việc này là cần phải có nghiên cứu sâu về cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động tín dụng áp dụng cho Quỹ ĐMCNQG. Với sự khác biệt về đối tượng hỗ trợ cụ thể, đầy đủ hơn về loại hình hỗ trợ cộng với yêu cầu của thực tiễn, việc nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động hỗ trợ tín dụng của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là rất cần thiết. Do vậy, Quỹ được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS Nguyễn Thị Hải Yến giao thực hiện đề án: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động hỗ trợ tín dụng của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia”.
Để nâng cao năng lực KHCN cho doanh nghiệp, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Chính sách về hỗ trợ cho hoạt động KH&CN là vô cùng cần thiết để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đổi mới công nghệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng động khoa học và các doanh nghiệp đang ngày đêm tìm kiếm giải pháp đổi mới công nghệ nhằm phát triển các sản phẩm mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý hoạt động KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa XI. Đó là đẩy mạnh gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với thực tiễn của doanh nghiệp, khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu từ thực tế sản xuất kinh doanh, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ; đó là triển khai cơ chế hỗ trợ hoạt động KH&CN thông qua các Quỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức và doanh nghiệp tham gia hoạt động KH&CN, một cơ chế phù hợp hơn với đặc thù của hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là triển khai hoạt động hỗ trợ tín dụng của Quỹ.
Bản thân hoạt động tín dụng nói chung là hoạt động chứa đựng trong đó nhiều rủi ro, nhiều giao dịch, nghiệp vụ phức tạp. Đối với hỗ trợ cho nhiệm vụ KH&CN ở Việt Nam, hỗ trợ tín dụng (cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vốn vay) ở các Quỹ nhà nước còn rất hạn chế. Nghiên cứu về thực trạng trong nước cho thấy, ở quy mô quốc gia hiện nay có một số Quỹ có triển khai hoạt động tín dụng như Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Quỹ bảo vệ tài nguyên môi trường Việt Nam (Bộ Tài nguyên môi trường, Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư),... Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng các dự án được hỗ trợ tín dụng rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cho thấy bức thiết cần phải xây dựng được văn bản pháp lý riêng cho hoạt động tín dụng để cơ quan quản lý và doanh nghiệp thực hiện.
Hoạt động tín dụng của Quỹ mang tính chất đặc thù hỗ trợ hoạt động KH&CN, do đó cần đề xuất một số chính sách làm căn cứ xây dựng và ban hành quy định về quản lý tài chính đối với hoạt động tín dụng của Quỹ nhằm đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ theo mục tiêu của Quỹ như sau:
- Ủy thác cho các Ngân hàng thương mại thực hiện cho vay ưu đãi từ nguồn vốn của Quỹ: Quỹ chỉ xem xét và thẩm định dự án về nội dung chuyên môn, tính khả thi của nhiệm vụ về mặt công nghệ còn Ngân hàng thương mại sẽ thẩm định về khả năng tài chính của doanh nghiệp, tính khả thi về tài chính của nhiệm vụ.
- Mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức đầu tư của dự án. Đối với một số trường hợp đặc biệt cần thiết cho vay hơn 80% tổng mức đầu tư của dự án, Hội đồng quản lý Quỹ xem xét và trình Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định nhưng không vượt quá 85% tổng mức đầu tư của dự án; Lãi suất cho vay ưu đãi của Quỹ không vượt quá 50% lãi suất cho vay thương mại cùng kỳ hạn. Hội đồng quản lý Quỹ quy định lãi suất cho vay ưu đãi từng thời kỳ trên cơ sở trần lãi suất cho vay công bố.
- Quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn tại các Ngân hàng thương mại để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy định tại Thông tư 06/2014/TTBKHCN ngày 25/4/2014 của Bộ KH&CN quy định nguyên tắc, tiêu chí xét chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Quỹ bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại nhưng tối đa không vượt quá 70- 85% tổng mức đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động. Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án. Dự án có văn bản chấp thuận cho vay của Ngân hàng thương mại và được Quỹ thẩm định và xác định là dự án có hiệu quả, thuộc đối tượng bảo lãnh vay vốn của Quỹ. Mức bảo lãnh tối đa cho một doanh nghiệp không vượt quá 10% vốn điều lệ của Quỹ.
- Quỹ hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn của doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại nhưng tối đa không vượt quá 50% lãi suất vay vốn quy định trong hợp đồng vay vốn giữa Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.
- Trích lập Quỹ dự phòng rủi ro: hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là hoạt động mang tính rủi ro cao, không như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, do đó Quỹ đề xuất được trích lập tỷ lệ dự phòng rủi ro chung đề xuất là 1%/năm tính trên tổng số dư nợ cho vay và nghĩa vụ bảo lãnh của Quỹ thực tế cuối năm (tỷ lệ quy định chung là 0,75%/năm). Ngoài ra, cần có cơ chế giãn nợ và xoá nợ đối với các nhiệm vụ do Quỹ cho vay đối với các nhiệm vụ không hoàn thành do điều kiện khách quan.
Có như vậy, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia mới có đầy đủ hơn các điều kiện để trở thành kênh tài chính hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện chuyển giao, nhập khẩu, nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15335/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)