Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ đánh giá, chuyển giao kết quả của các Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, môi trường
Cập nhật vào: Thứ ba - 14/11/2023 00:04 Cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) và suy giảm tải nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường là hai chủ đề đang được đặc biệt quan tâm tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. BĐKH làm gia tăng những hiểm họa từ khí hậu như thiên tai, làm suy giảm năng suất, và ảnh hưởng tiêu cực đến các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Đứng trước những thách thức về BĐKH và quản lý tài nguyên và môi trường, Việt Nam đã sớm có những hoạt động cụ thể nhằm ứng phó với BĐKH, quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Hoạt động cụ thể nhất là hai chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường.
Các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ trên đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hai chương trình cũng đã bộc lộ ra những tồn tại. Một là, các sản phẩm đề tài và hai chương trình chưa được đánh giá một cách hệ thống và xuyên suốt. Hai là, các sản phẩm của các đề tài còn nằm riêng rẽ và chưa được tập hợp một cách hệ thống vào một bộ cơ sở dữ liệu chung phục vụ nghiên cứu và quản lý. Ba là, các sản phẩm đặc biệt nổi trội của các đề tài trong hai chương trình chưa được khuyến nghị chuyển giao. Bốn là, nhiều khoảng trống tri thức khoa học công nghệ còn chưa được lấp đầy và cần thiết phải được định hướng nghiên cứu trong tương lai. Trên cơ sở những tồn tại sau khi thực hiện hai chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Tuấn Quang tại Cục Biến đổi khí hậu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ đánh giá, chuyển giao kết quả của các Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, môi trường và đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025” từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: tổng hợp được các kết quả chủ yếu của hai Chương trình: Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2011-2015” và Chương trình “Khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020”; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu sản phẩm của các đề tài thuộc hai Chương trình: Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015” và Chương trình “Khoa học công nghệ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020” phục vụ quản lý, nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao; đánh giá, lựa chọn và chuyển giao một số kết quả của hai Chương trình; và đề xuất kiến nghị được những vấn đề khoa học và công nghệ (KH&CN) cần nghiên cứu trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường cho giai đoạn 2021 - 2025.
Sau hơn một năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Đã tiến hành thu thập đầy đủ các tài liệu, kết quả và sản phẩm của các đề tài thuộc hai chương trình.
- Đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm và kết quả của các đề tài. Ứng dụng bộ tiêu chí vào công việc đánh giá điểm cho 91 đề tài. Kết quả đánh giá cho thấy, mức độ hoàn thành của các đề tài đều đạt mức đánh giá từ “Đạt” trở lên.
- Đã thực hiện xây dựng một bộ CSDL nhằm lưu trữ các kết quả, sản phẩm nghiên cứu thu được từ hai Chương trình.
- Dựa trên cơ sở đánh giá điểm cho các đề tài, nhóm thực hiện đề tài đã sàng lọc được một số đề tài nổi bật. Đồng thời, lựa chọn các sản phẩm nổi bật tương ứng của các đề tài đó phục vụ chuyển giao. Cụ thể, đề tài đã lựa chọn được 04 sách chuyên khảo và 01 Atlas khí hậu.
- Đã phân tích các nhu cầu nghiên cứu KH&CN phục vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường ở Việt Nam thông qua các đề tài thuộc hai chương trình. Các thiếu hụt trong KH&CN đã được rút ra. Từ đó, đề tài đã đề xuất định hướng nghiên cứu KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và môi trường trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả của đề tài góp phần vào việc đánh giá và dự báo các tác động của BĐKH đến đời sống con người đồng thời đó cũng là cơ sở để đề xuất các biện pháp ứng phó với BĐKH đối với Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19099/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)