Nghiên cứu cơ sở khoa học phân cấp cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/06/2023 11:03 Cỡ chữ
Thiên tai đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới với mức độ ngày càng trầm trọng, gây thiệt hại đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của con người, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội, môi trường, hệ sinh thái. Những người dân ở những nước thu nhập thấp có khả năng thiệt mạng do thiên tai gây ra lớn gấp 12 lần và cũng có khả năng phải chịu hậu quả nặng nề về kinh tế hơn các nước có thu nhập cao. Thiệt hại do thiên tai gây ra được dự đoán sẽ tăng lên trong tương lai do biến đổi khí hậu và do sức ép của tăng trưởng dân số và kinh tế.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây đã có một số nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai, nhưng chủ yếu là đánh giá tác động của thiên tai tới kinh tế, xã hội, chưa có nhiều nghiên cứu về phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai. Mặt khác, các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện cho một số loại hình thiên tai đơn lẻ hoặc được thực hiện ở một số địa phương nhất định, chưa có nghiên cứu đồng bộ về rủi ro cho các loại hình thiên tai và cho toàn Việt Nam. Để phát triển hướng nghiên cứu đánh giá đồng bộ về rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam, đặc biệt để tạo cơ sở khoa học cho việc đề xuất sửa đổi Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg, nhóm nghiên cứu Viện khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu do TS. Nguyễn Xuân Hiển làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học phân cấp cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam”.
Trên cơ sở tổng quan, phân tích, đánh giá các nghiên cứu về rủi ro thiên tai đã thực hiện trên thế giới và ở Việt Nam, đề tài lựa chọn phương pháp đánh giá rủi ro thiên tai phù hợp với Việt Nam và xây dựng bộ chỉ thị để phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai cho các loại hình thiên tai, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới; mưa lớn; nắng nóng; hạn hán; lũ, ngập lụt; lũ quét; sạt lở đất, sụt lún đất; nước dâng do bão; động đất; sóng thần và một số loại hình thiên tai khác. Kết quả thực hiện đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu đánh giá, phân cấp rủi ro thiên tai tại Việt Nam phục vụ cho việc hoạch định các chính sách, định hướng phát triển cho từng vùng, cũng như việc điều chỉnh Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra những kết luận như sau:
1. Từ nghiên cứu sở sở khoa học và thực tiễn thông qua tổng quan các nghiên cứu trong nước, thế giới và hiện trạng thiên tai tại Việt Nam, Đề tài đã lựa chọn phương pháp xác định, đánh giá và phân cấp cấp độ rủi ro phù hợp với các loại hình thiên tai ở Việt Nam. Từ đó, Đề tài đã xây dựng được quy trình phân cấp RRTT đối với các loại hình thiên tai ở Việt Nam.
2. Với phương pháp luận xác định, đánh giá và phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai từ các thành phần Hiểm họa (H), Phơi bày (E) và tính Dễ bị tổn thương (V), Đề tài đã xây dựng được các bộ tiêu chí/chỉ thị phục vụ phân vùng và dự báo/cảnh báo cấp độ RRTT cho từng loại hình thiên tai cụ thể, từ đó làm cơ sở khoa học cho việc tính toán, phân cấp và cảnh báo cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam.
3. Căn cứ vào những tiêu chí được đề xuất để nhằm đánh giá RRTT, Đề tài định hướng đề xuất một số thay đổi cho Quyết định 44/2014/QĐ-TTg về Cấp độ RRTT. Những đề xuất này kết hợp giữa nội dung nghiên cứu của Đề tài và dựa trên các phân tích các bất cập trong quá trình áp dụng Quyết định 44/2014/QĐ-TTg tại các địa phương trên toàn quốc. Các nội dung đề xuất chỉnh sửa đã bổ sung yếu tố “phơi bày” và “dễ bị tổn thương” của từng vùng đặc thù đối với từng loại hình thiên tai, từ đó định hướng điều chỉnh các quy định về cấp độ cảnh báo rủi ro của từng loại thiên tai tại Quyết định 44/2014/QĐ-TTg.
4. Đề tài đã ứng dụng quy trình phân cấp RRTT đã xây dựng để thử nghiệm phân vùng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt cho khu vực Trung Trung Bộ. Kết quả đánh giá rủi ro do lũ và ngập lụt khá phù hợp với tình hình thực tế ở khu vực Trung Trung Bộ đối với cơn lũ lịch sử năm 1999. Ngoài ra, Đề tài đã ứng dụng quy trình phân cấp RRTT để thử nghiệm cảnh báo cấp độ rủi ro do bão Doksuri (năm 2017) chi tiết đến đơn vị hành chính cấp huyện. Kết quả tính toán cho thấy mặc dù ba tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đều có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão, tuy nhiên mức độ nguy cơ rủi ro do bão được cảnh báo ở các huyện không giống nhau phụ thuộc lớn vào yếu tố hiểm họa và một phần vào mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Kết quả tính toán này tương đối khác biệt so với phân cấp cấp độ rủi ro do bão theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg, cấp độ rủi ro do bão được phân như nhau đối với tất các đơn vị hành chính thuộc tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão, dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác ứng phó với rủi ro bão gây ra. Việc tính toán và phân cấp cấp độ rủi ro do bão chi tiết đến đơn vị cấp huyện đã khắc phục được tính bất cập trên.
Để sử dụng phương pháp luận và quy trình phân cấp RRTT trong thực tiễn hiệu quả, các dữ liệu phục vụ tính toán các thành phần Hiểm họa, Phơi bày và tính Dễ bị tổn thương cần được thu thập chi tiết đến cấp huyện, cấp xã. Trong khuôn khổ của Đề tài và đối chiếu với các loại hình thiên tai được quy định trong Quyết định 44/2014/QĐ-TTg và Quyết định 03/2020/QĐ-TTg, đề tài chưa nghiên cứu và đề xuất phương pháp phân cấp cấp độ rủi ro do các loại hình thiên tai như sương mù, gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng không do bão và ATNĐ. Chính vì vậy, Đề tài kiến nghị cần có những nghiên cứu tiếp theo nhằm đề xuất phương pháp phân cấp cấp độ rủi ro do sương mù, gió mạnh trên biển, sóng lớn, nước dâng không do bão và ATNĐ. Đồng thời, Đề tài mới chỉ nghiên cứu và đề xuất phương pháp phân cấp cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ảnh hưởng ở vùng đất liền và ven biển. Nghiên cứu cần được chi tiết hơn đối với các thiên tai ảnh hưởng đến các công trình kinh tế biển như giàn khoan, trụ điện gió trên biển và các hải đảo. Dựa trên những bất cập trong quá trình áp dụng Quyết định 44/2014/QĐ-TTg và những đề xuất chỉnh sửa, bổ sung đã đề xuất, Đề tài kiến nghị cần nghiên cứu sâu hơn và sớm ban hành văn bản sửa đổi Quyết định 44/2014/QĐ-TTg.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18336/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)