Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp quy hoạch và chỉnh trị nhằm ổn định các cửa sông Trà Khúc và sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi
Cập nhật vào: Thứ ba - 15/02/2022 03:08 Cỡ chữ
Cửa Đại tỉnh Quảng Ngãi và cửa Lở nằm cách nhau chưa đầy 5km, giữa 2 cửa lại thông với nhau qua sông Cổ Lũy, có quá trình phát triển tương đối nhanh bởi hiện tượng xói lở - bồi tụ ven bờ và bồi lấp lòng dẫn cửa sông. Diễn biến tình trạng xói lở - bồi tụ - bồi lấp trong thời gian gần đây rất phức tạp.
Theo điều tra thực tế của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi ngày 7/11/2013 cho thấy, hiện tượng bồi lấp các cửa sông Phú Thọ, sông Kinh đã gây cản trở, hạn chế việc lưu thông của tàu thuyền đối với ngư dân trong vùng, nhất là cửa sông Phú Thọ đã bị lấp hoàn toàn tuyến luồng cũ, các tàu thuyền không thể ra vào tại cửa sông này. Việc bồi lấp cửa sông ngoài việc lưu thông, hoạt động giao thông thủy, đi lại của tàu thuyền gặp khó khăn thì bên cạnh đó cũng làm giảm khả năng tiêu thoát lũ trong mùa mưa bão, đây là điều rất đáng báo động và nguy hiểm. Hiện trạng của cửa sông Phú Thọ được chụp vào ngày 4/10/2013 khi đó tuyến luồng cũ đã bị bồi lấp, nhưng tàu thuyền vẫn có thể ra vào được, chỉ khác là trước đây có thể 3 tàu cá loại lớn chạy song song vào cửa thì đến thời điểm đó chỉ còn 1 tàu có thể ra vào, thậm chí ra vào rất khó khăn gặp những lúc triều thấp, đến 7/11/2013 thì cửa đã bị lấp hoàn toàn, tàu thuyền không thể ra vào được tại cửa sông Phú Thọ. Tuy nhiên, ngay sau đó đã có đợt lũ rất lớn (lũ lịch sử, tháng 11/2013) đã cuốn trôi khối cát bồi lấp ở cửa Phú Thọ đi nên cửa sông này lại được lưu thông. Từ đó đến nay, để duy trì cho tàu thuyền ra vào được thuận tiện tại cửa Phú Thọ vẫn phải thường xuyên có sự nạo vét, đảm bảo hoạt động giao thông thủy cho tàu thuyền hoạt động.
Việc diễn biến sa bồi rất nhanh tại khu vực cửa Đại tỉnh Quảng Ngãi nói chung và tại các cửa sông Phú Thọ và sông Kinh nói riêng là điều đáng quan ngại, rất cần phải có sự khắc phục kịp thời, hiệu quả để trả lại thông luồng, đảm bảo giao thông thủy, tiêu thoát lũ và an sinh xã hội của cư dân trong khu vực.
Những nguyên nhân gây ra xói lở, bồi tụ rất phức tạp, là kết quả tổng hợp của các yếu tố từ biển như bão, triều cường, nước dâng… những yếu tố từ sông như lũ lụt, thiếu hụt bùn cát thượng nguồn… yếu tố nhân sinh như sự phát triển tự phát thiếu định hướng quy hoạch của công trình hạ tầng, khai thác cát… Trước tình thế đáng báo động về xói lở khu vực cửa Đại tỉnh Quảng Ngãi (sông Trà Khúc) và cửa Lở (sông Vệ) hiện nay, việc nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, cơ chế của quá trình biến động xói lở khu vực 02 cửa sông kể trên đã trở lên cấp bách, cần thiết thực hiện trong thời gian sớm nhất có thể nhằm đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ để chỉnh trị 02 cửa nói trên, đặc biệt trong những diễn biến nóng bỏng và mới nhất về tình trạng xói lở, bồi tụ nơi đây trong khoảng năm 2012-2013 sau quá trình khai thác cát tại khu vực cửa Đại tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều năm qua tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng các công trình chỉnh trị tổng thể cửa Đại tỉnh Quảng Ngãi và cửa Lở nhưng do tính chất phức tạp về kỹ thuật và quy mô tổng thể công trình nên chưa được giải quyết.
Nhóm tác giả do Cơ quan chủ trì Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Trương Văn Bốn thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp quy hoạch và chỉnh trị nhằm ổn định các cửa sông Trà Khúc và sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi” với mục tiêu: Xác định đƣợc nguyên nhân, cơ chế và các yếu tố ảnh hưởng đến hiện tượng bồi lấp, sạt lở tại 02 cửa sông (Cửa Lở - sông Vệ và cửa Đại tỉnh Quảng Ngãi sông Trà Khúc) tỉnh Quảng Ngãi. Đề xuất được các giải pháp quy hoạch và chỉnh trị để chống bồi lấp, sạt lở và ổn định vùng cửa sông, đáp ứng được yêu cầu ra vào của tàu thuyền và thoát lũ có xét đến điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Qua các kết quả điều tra khảo sát thủy, hải văn, khảo sát địa chất, phân tích mẫu bùn cát, tính toán các quá trình thủy thạch động lực và vận chuyển bùn cát, bồi/xói khu vực cửa Đại và cửa lở tỉnh Quảng Ngãi có thể rút ra một số nguyên nhân chính về nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh tác động đến sự xói lở và bồi lấp cửa Đại và cửa Lở, cụ thể như sau: vùng cửa Đại và cửa Lở có cấu trúc địa chất không phức tạp. Căn cứ đặc tính cơ lý của các lớp đất và đặc điểm phân bố của chúng trên các mặt cắt cho thấy cấu trúc các lớp đất đá tại khu vực khảo sát là đơn giản. Địa chất khu vực 2 tuyến cửa sông trên bề mặt là lớp cát kết cấu chặt vừa, có chỗ xốp, phân bố rộng, bề dầy khá lớn (chiều dày của lớp biến đổi từ 5,5m đến 8,0m). Đây là lớp có khả năng chịu lực trung bình, tuy nhiên tính liên kết cấu trúc kém rất rễ bị xói gây ra mất ổn định cho công trình. Đây là các lớp đất bở rời liên kết kém do đó rất dễ xói lở khi các điều kiện ngoại sinh tác động như sóng, dòng chảy, gió bão. Từ độ sâu 8m-15 m trên toàn bộ khu vực khảo sát là cát hạt thô màu xám ghi xám trắng xám vàng. Đây là lớp có khả năng chịu lực tốt, tuy nhiên tính liên kết cấu trúc kém rất rễ bị xói gây ra mất ổn định cho công trình. Nước ngầm chủ yếu chứa trong tầng cát do đó nếu có các mái kè ven bờ nước ngầm sẽ làm tăng mức độ sạt lở mái.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17113/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)