Nghiên cứu cơ sở hạ tầng, thiết bị cảng khi khai thác tàu giảm tải ra, vào các tuyến luồng hàng hải vào Hải Phòng và khu vực cảng biển Nhóm 5
Cập nhật vào: Thứ ba - 26/04/2022 01:01
Cỡ chữ
Tại Việt Nam, hoạt động khai thác cảng cho thấy, công suất và năng lực xếp dỡ ở một số nhóm cảng còn đang dư thừa so với sản lượng thông qua. Bên cạnh đó, đội tàu tới cảng ngày một gia tăng về kích thước cùng với số lượng. Tuy nhiên, xu hướng và thực tế cho thấy đội tàu có kích thước lớn hơn này phần nhiều là không chở đầy tải. Đây là một khía cạnh để hệ thống cảng biển nước ta phát huy cơ sở hạ tầng, thiết bị sẵn có của mình nhằm gia tăng sản lượng và nâng cao công suất khai thác của mình.
Tàu ra vào tuyến luồng Hải Phòng
Việc nghiên cứu các biện pháp nhằm thu hút nguồn hàng, đáp ứng xu hướng kích thước của đội tàu ngày một tăng cả về kích thước, loại, số và chất lượng nhằm nâng cao năng lực hoạt động khai thác cảng cũng như để quản lý khai thác cảng hiệu quả là cần thiết. Ngoài ra, việc tạo ra một hành lang pháp lý nhà nước để quản lý hiệu quả các tuyến luồng khi khai thác đội tàu kích thước lớn hơn khi giảm tải cũng thực sự cấp thiết. Các nghiên cứu gần đây liên quan đến việc tiếp nhận và khai thác tàu giảm tải trên một số tuyến luồng hàng hải chính như: Tuyến luồng vào Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Cái Mép - Thị Vải mới chỉ đề cập chủ yếu việc mở rộng tuyến luồng khai thác.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu đến từ Cục Hàng hải Việt Nam, do PGS. TS. Nguyễn Thị Bạch Dương đứng đầu, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở hạ tầng, thiết bị cảng khi khai thác tàu giảm tải tới các tuyến luồng hàng hải chính vào cảng Hải Phòng và Nhóm 5”.
Trải qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã giải quyết được những vấn đề sau đây:
- Tổng quan về hiện trạng của đội tàu tới cảng, cơ sở hạ tầng và thiết bị cảng biển chính Hải Phòng và Nhóm 5. Đề tài cũng đã cho thấy tổng sản lượng qua các cảng biển này đang ngày càng tăng, qua đó, chỉ ra số lượng, kích thước, cơ cấu đội tàu vào, ra trên tuyến luồng vào cảng Hải Phòng và trên tuyến luồng chính vào cảng Nhóm 5 ngày càng lớn, lớn hơn kích thước tàu thiết kế tại các cơ sở hạ tầng cảng biển, đội tàu có kích thước này phải giảm tải thỏa mãn mớn nước ra vào tuyến luồng này.
- Đề tài đã phân tích và đánh giá năng lực quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của một số cảng biển thuộc khu vực nghiên cứu theo một số tiêu chí cơ bản, từ đó, đề xuất một số giải pháp để tăng công suất của cảng khi nhận được các tàu giảm tải lớn hơn.
- Đề tài đã nghiên cứu các đặc điểm của tàu kích thước lớn hơn ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng và thiết bị trong cảng.
- Đề tài cũng tính toán khả năng đáp ứng của chiều dài bến khi nhận các tàu giảm tải lớn hơn ra vào cảng trong tương lai. Ngoài ra, đội tàu có kích thước lớn giảm tải ảnh hưởng đáng kể đến kết cấu bến, từ đó, Cảng vụ, chủ tàu và chủ sở hữu phải chọn điều kiện tự nhiên hoặc phương pháp neo đậu để đảm bảo an toàn khi xử lý hàng hóa trên các cảng mà không cần nâng cấp.
- Đề tài đã cung cấp được tài liệu làm cơ sở cho các đơn vị quản lý nhà nước, chủ cảng, chủ tàu và các bên liên quan dự báo và tính toán được tàu giảm tải có trọng tải lớn nhất khi tới cảng, hoặc các cảng trên tuyến luồng nghiên cứu có khả năng đáp ứng tàu giảm tải đến cảng một cách nhanh chóng.
- Đề tài cũng chỉ cho thấy cần phải cải thiện năng lực cảng hiện có trong bối cảnh các tàu có kích thước lớn hơn trong tương lai.
- Đề tài dự báo cỡ tàu giảm tải có thể tiếp nhận ở một số cảng biển trên tuyến luồng nghiên cứu.
Và cuối cùng đề tài đã dự thảo được “Quy trình quản lý kỹ thuật cảng biển đáp ứng tàu giảm tải trên một số tuyến luồng hàng hải chính vào cảng Hải Phòng và nhóm 5”.
Những kết quả nghiên cứu nêu trên dự kiến đem lại nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong tương lai. Đây sẽ là một trong những căn cứ kỹ thuật mới được ứng dụng cho công tác thiết kế quy hoạch, đánh giá khả năng khai thác cảng, xây dựng biện pháp nâng cao năng lực khai thác cảng hiệu quả, văn bản quản lý khai thác cơ sở hạ tầng, thiết bị cảng đối với các đơn vị cảng, các hãng tàu và đơn vị quản lý liên quan, từ đó, góp phần tăng lợi nhuận cho Cảng, Hãng tàu trong và ngoài nước, giảm chi phí dịch vụ logistic đối với chủ hàng, làm căn cứ kỹ thuật cho các đơn vị quản lý nhà nước và làm tăng GDP vùng, quốc gia.
Bạn đọc có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17165/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.M.H (NASATI)