Nghiên cứu chính sách, giải pháp và xây dựng mô hình liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc
Cập nhật vào: Thứ hai - 01/02/2021 22:12 Cỡ chữ
Ở nước ta, vấn đề phân vùng và liên kết vùng đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu từ cuối những năm 1980. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII đã nêu ra định hướng phát triển kinh tế vùng. Chính phủ Việt Nam đã sử dụng quy hoạch phân vùng là công cụ quan trọng để thúc đẩy phối hợp liên kết phát triển vùng. Trong những năm gần đây, vấn đề tổ chức lãnh thổ du lịch đã được quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn. Hoạt động du lịch sẽ không thể phát triển có hiệu quả nếu không quan tâm đầy đủ đến khía cạnh không gian (lãnh thổ) của du lịch. Liên kết phát triển vùng du lịch cho phép khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch và các nguồn lực khác của các địa phương và doanh nghiệp tham gia liên kết, tăng khả năng cạnh tranh và thu hút các nguồn lực đầu tư cho du lịch. Vì vậy, liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch là một tất yếu khách quan trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tây Bắc là vùng có tiềm năng du lịch, có nhiều tiểu vùng với tài nguyên du lịch phong phú. Trong những năm gần đây, ở Tây Bắc đã bắt đầu hình thành một số mô hình liên kết phát triển du lịch. Tuy nhiên, các mô hình liên kết nói trên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Điểm hạn chế nhất của các mô hình du lịch ở Tây Bắc hiện nay là chưa xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp với tính đặc thù của vùng và từng tiểu vùng, chưa hình thành được thể chế quản trị chung để điều phối liên kết du lịch trên phạm vi toàn vùng. Vì vậy, đề tài do Cơ quan chủ trì Cơ quan chủ trì đề tài Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS.TS. Hoàng Văn Hoa thực hiện “Nghiên cứu chính sách, giải pháp và xây dựng mô hình liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc” với mục tiêu tổng quát của đề tài là: làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về liên kết vùng, tiểu vùng cho phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; đánh giá đúng thực trạng và hiệu quả các mô hình liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc; đề xuất mô hình liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch gắn với nâng cao hiệu quả KT-XH ở vùng Tây Bắc; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị để thực hiện liên kết vùng, tiểu vùng và mô hình liên kết du lịch ở vùng Tây Bắc.
Đề tài kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống như phương pháp duy vật lịch sử, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích tổng hợp và các phương pháp nghiên cứu hiện đại như điều tra khảo sát, phỏng vấn, phương pháp chuyên gia. Tổ chức các cuộc tọa đàm, thảo luận nhóm tại các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Sở VH,TT&DL và một số doanh nghiệp du lịch ở vùng Tây Bắc và Hà Nội; tổ chức ba hội thảo khoa học để thập ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến đề tài.
Ngoài các tài liệu thứ cấp, đề tài thu thập thông tin sơ cấp bằng cách xây dựng phiếu điều tra khảo sát (bảng hỏi), được thiết kế chung các đối tượng khảo sát, bao gồm: i) cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về DL; ii) cán bộ và nhân viên tại các khu DL và đơn vị sự nghiệp về DL; iii) các DN và hộ kinh doanh DL; iv) các nhà khoa học; và v) khách du lịch. Tổng số phiếu điều tra ở 5 tỉnh là 780 phiếu, trong đó có 755 phiếu được sử dụng để xử lý, cụ thể như sau: Tuyên Quang: 138 phiếu, Hà Giang 147 phiếu, Phú Thọ: 156 phiếu, Lào Cai: 157 phiếu và Hà Nội: 157 phiếu. Kết quả điều tra khảo sát được xử lý, tổng hợp bằng mềm chuyên dùng SPSS DE.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia Nghiên cứu chính sách, giải pháp và xây dựng mô hình liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc, mã số KHCN-TB.22X/13-18, đã tổng quan các công trình nghiên cứu về kinh tế vùng, liên kết vùng nói chung, liên kết du lịch nói riêng; nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản về liên kết kinh tế vùng, liên kết vùng, tiểu vùng trong phát triển du lịch; kinh nghiệm một số nước và vùng trong nước về liên kết vùng du lịch và rút ra bài học kinh nghiệm cho vùng Tây Bắc. Trên cơ sở đó, đề tài đã tổng kết, phân tích thực trạng các mô hình liên kết vùng du lịch ở Tây Bắc; đề xuất mô hình liên kết du lịch trên phạm vi toàn vùng và mô hình liên kết du lịch tiểu vùng sông Hồng - sông Lô.
Để thúc đẩy các hoạt động liên kết du lịch và hình thành các mô hình liên kết du lịch ở Tây Bắc, đề tài đề xuất một số giải pháp cụ thể như: nâng cao nhận thức về liên kết vùng trong phát triển du lịch; hoàn thiện chính sách liên kết vùng và liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện liên kết du lịch vùng Tây Bắc; liên kết xây dựng sản phẩm du lịch và các tuyến du lịch ở Tây Bắc; liên kết xúc tiến quảng bá du lịch ở Tây Bắc; liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch ở Tây Bắc; liên kết huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư phát triển du lịch ở Tây Bắc; liên kết các doanh nghiệp du lịch ở Tây Bắc và liên kết phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc. Đề tài cũng đã đề xuất các kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Bộ VHTTDL, các tỉnh vùng Tây Bắc nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng ở Tây Bắc.
Thực hiện các giải pháp trên là thách thức to lớn trong điều kiện Tây Bắc là vùng nghèo nhất cả nước, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cần sự hỗ trợ rất lớn của Trung ương cả về cơ chế chính sách và nguồn lực tài chính, tạo điều kiện để các địa phương trong vùng phát huy được tiềm năng, lợi thế du lịch. Cùng với việc tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách kinh tế vùng và liên kết vùng nói chung, liên kết du lịch nói riêng, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc, cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, coi liên kết vùng là một trong những khâu đột phá để phát triển du lịch nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, trước hết cần xây dựng bộ máy tổ chức liên kết, thành lập Ban điều phối liên kết du lịch vùng và triển khai mô hình liên kết du lịch tiểu vùng sông Hồng - sông Lô; thành lập hiệp hội du lịch vùng và nâng cao vai trò của các tổ chức hiệp hội du lịch cấp tỉnh, tăng cường vai trò của doanh nghiệp, coi đó là hạt nhân của liên kết vùng du lịch ở Tây Bắc; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Bắc và tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về du lịch; đầu tư phát triển một số trung tâm du lịch lớn của vùng, hình thành các cực tăng trưởng du lịch, thúc đẩy lan tỏa du lịch ở Tây Bắc; đầu tư phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15873/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
vấn đề, liên kết, bắt đầu, quan tâm, nghiên cứu, nghị quyết, định hướng, phát triển, kinh tế, phủ việt, sử dụng, quy hoạch, quan trọng, thúc đẩy, phối hợp, gần đây, tổ chức, lãnh thổ, du lịch, áp dụng, thực tiễn