Nghiên cứu chế tạo và đánh giá tính chất sinh hóa của mạch máu nhân tạo trên cơ sở Polyurethane/Polycaprolactone
Cập nhật vào: Thứ hai - 02/10/2023 11:02 Cỡ chữ
Nhằm đề xuất phương pháp biến tính CLA trên các màng electrospun polyurethane và polycaprolactone dưới sự hỗ trợ của plasma và khảo sát các yếu tố liên quan theo yêu cầu cần thiết của mạch máu nhân tạo, nhóm đề tài Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Thị Hiệp làm chủ nhiệm đã đề xuất và được giao thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu chế tạo và đánh giá tính chất sinh hóa của mạch máu nhân tạo trên cơ sở Polyurethane/Polycaprolactone” với các mục tiêu cụ thể đó là ( i)Khảo sát mức độ ghép CLA lên tính chất của màng PU, PCL và PU/PCL; (ii) Khảo sát ảnh hưởng CLA lên quá trình kết nối tiểu cầu và hình thành huyết khối; (iii) Khảo sát tính tương hợp sinh học của màng đã biến tính trên tế bào fibroblast và kiểm tra tính an toàn của phương pháp biến tính này; (iv) Nghiên cứu ảnh hưởng của độ biến tính CLA khả năng phát triển của tế bào tế bào nội mô (endothelial cells) và khảo sát quá trình di cư của tế bào nội mô (endothelial cells).
Ở giai đoạn một: Nhóm đề tài chế tạo màng PU, PCL, PU/PCL bằng máy electrospinning sau đó biến tính màng này bằng plasma (trong môi trường O2) để tạo ra các nhóm OH, từ đó CLA (được pha trong EDC) sẽ gắn vào nhóm OH này. Nồng độ CLA sẽ được khảo sát trong khoảng 1-4 mM. Sau đó màng sau khi biến tính sẽ được phân tích các tính chất vật lý và tính chất hóa học trước khi tiến hành các kiểm tra sinh học và tương tác máu.
Giai đoạn hai: Sau khi khảo sát các tính chất của màng, nhóm đề tài tiến hành giai đoạn tiếp theo là kiểm tra tính tương hợp sinh học của màng, khả năng phát triển của các nguyên bào sợi (fibroblast cells) và tế bào nội mô (endothelial cells). Dự kiến quá trình quan sát các nguyên bào sợi sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần, riêng các tế bào nội mô sẽ được quan sát trong vài tuần cho đến khi các tế bào nôi phủ đầy màng.
Giai đoạn ba: nhóm đề tài sẽ tiến hành khảo sát tương tác của màng và màng tải (endothelial cell) với máu, huyết tương và tiểu cầu (platelet).
Về mục tiêu và nội dung, không có thay đổi so với thuyết minh ban đầu và tất cả đã được thực hiện và đạt kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, trong từng nội dung, một số phương pháp và nghiên cứu đã được thay đổi hoặc không thực hiện đó là:
- Thay đổi nồng độ EDC sử dụng
- Không thực hiện phương pháp XPS và AFM
- Sử dụng phương pháp resazurin thay vì MTT trong khảo sát độc tính tế bào và nhằm định lượng sự tăng sinh tế bào
- Không thực hiện phương pháp nhuộm Live/Dead
- Không thực hiện khảo sát thời gian TT trong nội dung khảo sát các thời gian đông máu
- Thay thế quan sát đông máu trên SEM bằng khảo sát ảnh hưởng của CLA lên tốc độ đông máu và sự bám dính của tế bào máu
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18914/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)