Nghiên cứu chế độ ăn đạt hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi cá Tra thương phẩm
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/05/2022 12:01 Cỡ chữ
Nghề nuôi cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Ngành sản xuất cá tra đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm cho 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành sản xuất cá tra cũng phải đối mặt với thách thức ngày càng gia tăng như: Mỹ đồng thời áp mức thuế chống bán phá giá cao và chương trình giám sát cá da trơn, rào cản kỹ thuật, thương mại ngày càng khắt khe từ các thị trường.
Trước bối cảnh đó, ngành hàng cá tra đã và đang trong quá trình chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn sản xuất (GlobalGAP, BAP, VietGAP, ASC…), điều này làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, cần có các nghiên cứu để đưa ra nhiều giải pháp khách nhau nhằm hạ giá thành sản xuất, góp phần ổn định sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành.
Vì thế, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Trần Thị Nắng Thu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế độ ăn đạt hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường trong nuôi cá Tra thương phẩm”. Đề tài triển khai trong thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018 nhằm cung cấp các thông tin về thực trạng chế độ cho ăn, chế độ thay nước, ảnh hưởng của các yếu tố như: tần suất, thời điểm, định lượng, phương pháp cho ăn đến hệ số chuyển đổi thức ăn, tốc độ tăng trưởng và các thông số môi trường.
Kết quả điều tra tại 5 tỉnh, thành phố có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn ở ĐBSCL là Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long cho thấy tần suất cho cá tra ăn phổ biến hiện nay là 2 lần/ngày đối với cá nuôi từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 5 và cho ăn 1 lần/ngày đối với cá nuôi hai tháng cuối trước khi thu hoạch. Thời điểm cho cá tra ăn buổi sáng trong khoảng 8-9h, buổi chiều là 15-16h. Người nuôi cho cá ăn tới no theo nhu cầu của cá, tức cho ăn 100% nhu cầu của cá, cho ăn tất cả các ngày trong suốt quá trình nuôi.
Kết quả điều tra cũng cho thấy hiện nay người nuôi thay nước theo các tỷ lệ và số lần thay khác nhau tùy theo các giai đoạn nuôi, cụ thể là: 1 tuần/lần với tỷ lệ nước thay 30% tổng lượng nước trong ao trong thời gian nuôi cá 2 tháng đầu; thay nước 1 lần/ngày, tỷ lệ nước thay 35% trong thời gian 2-3 tháng giữa; thay nước 1 lần/ngày, tỷ lệ nước thay 45% đối với 2 tháng cuối trước khi thu hoạch. Kết quả nghiên cứu cho thấy tần suất, thời điểm, định lượng và phương pháp cho ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá tra nhưng có ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng, hệ số chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ thay nước.
Nghiên cứu trên ao 2000 m², áp dụng chế độ cho ăn của đề tài (cho ăn gián đoạn 7 ngày, nghỉ 1 ngày, khẩu phần ăn 80% nhu cầu no thỏa mãn) cho kết quả hệ số chuyển đổi thức ăn FCR=1,4, cá đạt cỡ thu hoạch trung bình 820g/con sau thời gian nuôi 7 tháng.
Khi áp dụng chế độ cho ăn của đề tài giảm được lượng nước thay 31,8% so với. Hệ số tiêu thụ nước khi nuôi theo chế độ cho ăn tất cả các ngày trong suốt quá trình nuôi ở khẩu phần ăn đáp ứng 100% nhu cầu no thỏa mãn là 7156 m³/tấn cá tăng trọng, trong khi giá trị này đạt 4881 m³/tấn (giảm 31,8%) cá khi nuôi theo chế độ cho ăn gián đoạn 7 ngày, nghỉ 1 ngày, khẩu phần ăn 80% nhu cầu.
Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ cho ăn gián đoạn 7 ngày, nghỉ 1 ngày, khẩu phần ăn 80% nhu cầu no thỏa mãn có thể giảm được FCR từ 1,68 xuống còn 1,4 (giảm 16,7 %), lượng nước thay giảm 31,8% và tỷ lệ sống của cá tra đạt 76,61 %, nâng cao hiệu quả kinh tế trên 16,7%.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17094/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)