Nghiên cứu cấu trúc quần thể, đa dạng di truyền và đánh giá nguy cơ bảo tồn của loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam
Cập nhật vào: Chủ nhật - 29/12/2024 12:03 Cỡ chữ
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) là loài linh trưởng đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, và là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế và nhiều nhà khoa học nước ngoài từ lâu đã tập trung nghiên cứu về phân bố, số lượng cá thể và tình trạng quần thể của loài này, nhằm thực hiện những bước đầu tiên trong bảo tồn in situ là khoanh vùng để thành lập những khu vực bảo vệ cho loài. Quá trình này nhằm ngăn chặn nguy cơ lớn nhất và cấp thiết nhất là hiện tượng săn bắt và phá hủy sinh cảnh sống của voọc.
Vấn đề xác định cấu trúc quần thể của Voọc mông trắng trước đây còn chưa được tiến hành nhiều, mặc dù đây cũng có thể là vấn đề tương đối đáng ngại, như đã xảy ra với Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) dẫn tới các quần thể bị cách ly không thể sinh sản khi cá thể đực duy nhất trong đàn bị săn bắt. Ngoài ra, nguy cơ giao phối cận huyết do quần thể bị cách ly đã đưa tới sự cần thiết phải phát triển hướng nghiên cứu về đa dạng di truyền quần thể. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Vĩnh Thanh tại Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cấu trúc quần thể, đa dạng di truyền và đánh giá nguy cơ bảo tồn của loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam” trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xác định được cấu trúc quần thể, tính đa dạng di truyền và mô hình hóa phân bố của loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam; và đánh giá được nguy cơ và đưa ra được biện pháp bảo tồn đối với các quần thể loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu về mô hình phân bố của Voọc mông trắng thể hiện rõ hiện trạng phân bố và có tính dự báo quá trình phân bố của loài theo một số mốc thời gian của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, được xây dựng dựa trên 19 biến số về môi trường như nhiệt độ, lượng mưa, chênh lệch nhiệt độ theo mùa… và các điểm phân bố thu được từ nghiên cứu. Mô hình này đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phân bố của Voọc mông trắng trong các kịch bản khác nhau trong tương lai. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng một mô hình được điều chỉnh tối ưu để dự đoán môi trường sống phù hợp với khí hậu cho T. delacouri trong điều kiện hiện tại, sau đó dự báo mô hình cho ba giai đoạn trong tương lai, 2041–2060, 2061–2080 và 2081–2100 bằng cách sử dụng dữ liệu từ ba mô hình hoàn lưu khí hậu toàn cầu. Các mô hình cho thấy khả năng dự báo cao và dự đoán thành công phạm vi đã biết hiện tại, nhưng cũng cho thấy các khu vực dự báo có phần cứng nhắc có thể phản ánh một phần sinh thái của loài voọc.
Ngoài ra, các tác giả đã thiết kế thành công mồi có thể khuếch đại được một số mẫu với đúng kích thước dự kiến, tích luỹ được một số kết quả phân tích microsatellite làm cơ sở cho việc đánh giá mức độ đa dạng di truyền và mức độ cận huyết của loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã đánh giá được ảnh hưởng của cấp độ bảo vệ của Nhà nước tại các khu vực phân bố, nhận thức của người dân, và tình trạng săn bắt tới tình trạng bảo tồn của loài Voọc mông trắng ở miền Bắc Việt Nam. Những đối tượng được phỏng vấn được lựa chọn từ người dân, người làm việc trong chính quyền địa phương và các đối tượng khác, đã được phỏng vấn để xác định nhận thức của họ về việc bảo tồn voọc. Do đó, để đồng thời có thể bảo vệ cả đàn voọc và sinh kế của người dân, nhóm nghiên cứu khuyến nghị chuyển các khu vực phân bố của Voọc mông trắng thành các khu bảo tồn và nâng cao nhận thức của người dân thông qua các hoạt động và phổ biến pháp luật. Việc tái thả loài này vào môi trường sống thích hợp cần được tiến hành một cách khoa học.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20435//2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)