Nghiên cứu các biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại nấm ăn, nấm dược liệu chủ lực
Cập nhật vào: Thứ sáu - 16/08/2024 00:10 Cỡ chữ
Nấm ăn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Hàm lượng protein chỉ sau thịt, cá, rất giàu chất khoáng và các acid amin không thay thế, các loại vitamin A, B, C, D, E, … có thể xem nấm ăn như một loại “rau sạch”. Trên thế giới có khoảng hơn 2000 loại nấm ăn và nấm dược liệu được con người nuôi trồng, trong đó có khoảng 80 loài được UNESCO công nhận như: nấm Mỡ, nấm Rơm, nấm Sò, nấm Hương, nấm Kim châm, nấm Ngọc châm, nấm Linh chi, nấm Vân chi, nấm Đầu khỉ…Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu đang phát triển với tốc độ nhanh, xu thế ngày càng phát triển về quy mô, phương thức, nguyên liệu sản xuất. Nấm được trồng trên 100 quốc gia trên thế giới, tập trung chủ yếu ở các nước Châu Á, chiếm 69,9% tổng sản lượng nấm thế giới. Cũng giống như các cây trồng nông nghiệp, việc sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu thương mại bị cản trở bởi nhiều loại sinh vật và vi sinh vật ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất. Trong các tác nhân sinh vật thì nấm đối kháng, vi khuẩn, virus, tuyến trùng, côn trùng và nhện gây hại trực tiếp hay gián tiếp. Rất nhiều loại nấm hại phát triển trong nguyên liệu và bịch cơ chất trong quá trình trồng nấm. Chúng có thể hoạt động như cạnh tranh dinh dưỡng (nấm mốc) và tấn công trực tiếp vào quả thể nấm ăn.
Trong 10 năm gần đây, sản lượng nấm ăn tăng khoảng 10% tại Mỹ nhưng sự thiệt hại do sâu bệnh gây ra cũng làm giảm sản lượng với mức tương đương. Tại Anh, sản lượng nấm giảm 50% trong 5 năm gần đây do sâu bệnh gây ra. Nấm ăn và nấm dược liệu được nuôi trồng trên các loại giá thể chế biến từ thực vật như rơm, mùn cưa, than bùn, gỗ tạp, là những chất có thành phần dinh dưỡng cao và thường xuyên trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ cao nên thích hợp cho sự phát sinh và gây hại của các loài côn trùng như ruồi, nhện, vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, virus và tuyến trùng. Tại Việt Nam, mặc dù có đủ các điều kiện để xây dựng và phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên việc nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ, lẻ và chưa có quy mô công nghiệp, nguyên liệu nuôi trồng xử lý không được triệt để, chưa đúng theo phương pháp nên việc nấm bị nhiễm sâu bệnh luôn ở mức cao. Các khu sản xuất, nuôi trồng nấm còn đơn giản, chủ yếu làm từ các vật liệu thực vật rẻ tiền như gỗ, tre nên điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, chế độ thông gió, nước tưới, ẩm độ chưa được quan tâm đúng mức nên nguồn bệnh và nguồn côn trùng gây hại dễ dàng xâm nhập, tấn công và gây thiệt hại cho sản xuất nấm.Nguyên nhân gây bệnh hay thiệt hại do côn trùng chỉ được liệt kê theo triệu chứng gây hại như bệnh mốc xanh, mốc vàng, mốc nâu hay nấm tạp nhiễm hoặc ghi nhận có sự hiện diện của ruồi hay nhện, các thông tin rất rời rạc, hạn chế, chưa đầy đủ và có hệ thống.
Nhằm xác định được các đối tượng sâu bệnh hại chính, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh và giải pháp khoa học công nghệ phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại chính trên 6 loài nấm ăn, nấm dược liệu chủ lực bao gồm: nấm rơm, nấm rò, nấm mỡ, nấm mộc nhĩ, nấm đùi gà và nấm linh chi, ThS. Vũ Thị Phương Bình cùng các cộng sự tại Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại nấm ăn, nấm dược liệu chủ lực”.
Sau 4 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thành các nội dung như sau:
- Đã điều tra, đánh giá hiện trạng sâu, bệnh hại và công tác phòng trừ dịch hại trên nấm ăn và nấm dược liệu chủ lực (nấm rơm, sò, mỡ, mộc nhĩ, đùi gà và linh chi) tai các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Đồng Nai, An Giang và Lâm Đồng. Người sản xuất mặc dù đã nhận thức được sự gây hại của ruồi, nhện trứng, nấm mốc và phòng trừ bằng khử trùng và phun thuốc trừ muỗi, trừ rầy song hiệu quả phòng ngừa còn hạn chế;
- Đã xác định được thành phần sâu, bệnh hại trên nấm ăn và nấm dược liệu, trong đó: Nhóm nấm gây bệnh mốc xanh (Trichoderma spp., Penicillium spp., Aspergillus spp.), ruồi Bradysia ocellaris, ruồi Scatopsidae sp., Cecidomyiidae sp. nhện Tyrophalus spp., Luciaphorus sp., là những sinh vật gây hại chính cho nấm ăn và nấm dược liệu (rơm, sò, mỡ, đùi gà, mộc nhĩ và linh chi).
- Đã thực hiện các nghiên cứu sinh học và sinh thái học nhóm sinh vật gây hại chính:
Nhóm bệnh mốc xanh (Trichoderma spp.) phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ 25 - 300 C, pH 5-6. Bào tử nấm hình thành nhiều nhất trên môi trường PDA. Chế độ chiếu sáng không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển nhóm nấm bệnh hại này.
Loài ruồi Bradysia ocellaris cần trung bình 18,27 ngày để hoàn hoàn thành vòng đời. Ở điều kiện nhiệt độ trung bình 30,9ºC, ẩm độ không khí 61,75% và thức ăn là sợi nấm sò thời gian phát dục pha trứng, ấu trùng, nhộng và thời gian trước đẻ của trưởng thành loài Bradysia ocellaris lần lượt trung bình là 3,19 ngày; 11,74 ngày; 2,73 ngày và 0,62 ngày.
Vòng đời loài ruồi Scatopsidae sp. trung bình 17,9 ngày. Thời gian phát dục pha trứng trung bình 2,56 ngày. Thời gian phát dục pha ấu trùng khá dài lên tới 11,4 ngày. Loài ruồi này cần 3,3 ngày để hoàn chỉnh giai đoạn nhộng, trong khi trưởng thành chỉ sau 0,63 ngày vũ hóa là đã đẻ trứng.
Nhện trứng Luciaphorus sp. chỉ gây hại trên nấm mộc nhĩ, nhện có đặc điểm là từ trứng phát triển thành trưởng thành diễn ra ở bên trong bọc trứng (gọi là thể nhồi physogastry) hình thành trên lưng nhện cái trưởng thành. nhiệt độ có ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của nhện trứng, nhiệt độ trên 30ºC thời gian từ khi trưởng thành ra khỏi bọc trứng đến khi hình thành bọc trứng mới, thời gian phát triển của bọc trứng ngắn hơn khoảng 3 lần so với nhiệt độ 18,6ºC, đồng thời kích thước bọc trứng và số lượng cá thể trưởng thành trong mỗi bọc trứng tăng lên rõ rệt.
- Nghiên cứu các biện pháp quản lý một số đối tượng sinh vật gây hại chính trên nấm ăn và nấm dược liệu chủ lực ghi nhận:
Sử dụng một số giống nấm ăn, nấm dược liệu đưa vào sản xuất nhằm hạn chế phát sinh các loại bênh hại trong toàn bộ quá trình nuôi trồng nấm: nấm rơm V115; nấm Sò: F, Fhq, Cp, FTL đều có thể được đưa vào sản xuất tùy điều kiện nhiệt độ của từng vùng miền, từng mùa trong năm; nấm mỡ Al1; nấm mộc nhĩ Au; nấm đùi gà: ENH; nấm linh chi Dt, D và D20.
Biện pháp thu gom tàn dư bịch nấm cũ, cỏ dại…đã làm giảm nguồn bệnh ban đầu, giản tỷ lệ bịch nấm bị nhiễm nấm mốc xanh so với đối chứng không áp dụng. Hiệu quả hạn chế bệnh mốc xanh trên nấm sò đạt 58,1%, trên nấm mộc nhĩ đạt 56,5% và trên nấm linh chi đạt 31,8%.
Tập kết nguyên liệu đầu vào và đầu ra cách xa khu cây giống nấm và khu ươm sợi đóng vai trò quan trọng trong hạn chế phát sinh sâu, bệnh hại nấm ăn và nấm dược liệu.
Thí nghiệm phối trội ghi nhận trộn bột sả vào trong cơ chất có hiệu quả hạn chế phát sinh nhận giai đoạn đầu, giai đoạn cuối vụ thì tỉ lệ nhiễm nhện vẫn khá cao (55,93%). Hoặc sử dụng thuốc BVTV sinh học như Neem Nim Xoan Xanh green 0,3EC (nồng độ 0,3%); GC mite 70SL (nồng độ 0,3%), Map Green 5SL (nồng độ 0,25%) để trừ nhện.
Sử dụng dịch chiết thủ công từ cây khổ sâm và hạt xoan (1%) kết hợp dùng tuyến trùng ký sinh côn trùng Heterohabditis sp. và Steinernema sp. và Bt (1%) để quản lý ruồi gây hại nấm và cần sử dụng sớm.
Sử dụng dịch chiết từ tỏi, ớt, quế, sả (nồng độ 1,5%) để phòng trừ nhóm vi sinh vật gây bệnh trên nấm.
Khu trùng lán trại 2 lần bằng thuốc BVTV hóa học như Han Cyctox 10SC và Permethrin 50EC cho hiệu quả phòng nhện Luciaphorus sp. đạt 79,2% và 74.4% sau 20 ngày xử lý lần 2. Thuốc ICON 2,5SC có khả năng kiểm soát sự phát sinh nhóm ruồi nhỏ hại nấm khá tốt.
- 06 quy trình quản lý tổng hợp sinh vật gây hại chính trên nấm ăn và nấm dược liệu đã được công nhận là tiến bộ kỹ thật trong lĩnh vực bảo vệ thực vật/
- Đã xây dựng được 06 mô hình quản lý tổng hợp sinh vật gây hại chính trên nấm ăn và nấm dược liệu chủ lực tại các vùng trồng nấm Hà Nam, Quảng Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng và Sóc Trăng: quy mô 1000m2 với nấm rơm và nấm mỡ. 5000 bịch/mỗi loại nấm sò, mộc nhĩ, đùi gà và linh chi. Các mô hình đạt hiệu quả phòng trừ 80,2 – 85.9 % và tăng hiệu quả kinh tế 15,5 – 24,2% so với đối chứng.
Nhóm đề tài kiến nghị nhanh chóng triển khai 06 quy trình quản lý sinh vật gây hại chính trên nấm ăn và nấm dược liệu vào sản xuất và cho phép tiếp tục triển khai các dự án khuyến nông phục vụ sản phẩm quốc gia về nấm ăn và nấm dược liệu. Mở hướng nghiên cứu chuyên sâu về biện pháp quản lý sinh vật gây hại trên nấm ăn và nấm dược liệu chủ lực
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20068/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)