Nghiên cứu bệnh xoắn khuẩn trên lợn ở một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xây dựng biện pháp phòng chống thích hợp
Cập nhật vào: Thứ năm - 19/12/2019 21:32 Cỡ chữ
Bệnh xoắn khuẩn (Leptospirosis) là bệnh truyền nhiễm chung giữa nhiều loài động vật và người, có triệu chứng đặc trưng là hoàng đản. Ở Việt Nam, bệnh đã được biết đến từ lâu và có ở tất cả các vùng đồng bằng, trung du và miền núi... Các kết quả nghiên cứu cho thấy ở Việt Nam bệnh hoàng đản do Leptospira gây ra cho nhiều loài gia súc khác nhau như: trâu, bò, lợn, chó,… Trong đó, bệnh xoắn khuẩn ở lợn hay còn được gọi là bệnh “lợn nghệ” xuất hiện khá phổ biến ở tất cả các loại hình chăn nuôi, gây ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng vì thịt lợn là một trong những nguồn thực phẩm chính ở nước ta. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau được tiến hành và đã xác định tỷ lệ nhiễm Leptospira khá cao trên lợn ở hầu khắp các vùng miền cả nước, với nhiều serovar khác nhau. Tuy nhiên, dữ liệu về bệnh xoắn khuẩn và các serovar Leptospira lưu hành phổ biến trên lợn hiện nay tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đặc biệt tại các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang, Hoà Bình, Lào Cai gần như chưa có mặc dù trên thực tế tại đây vẫn có thông tin về các trường hợp bệnh xoắn khuẩn xảy ra trên lợn khá thường xuyên, vì vậy việc triển khai một nghiên cứu điều tra ở khu vực này là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy việc triển khai đề tài “Nghiên cứu bệnh xoắn khuẩn trên lợn ở một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xây dựng biện pháp phòng chống thích hợp” là hết sức cần thiết. Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ quản Viện Thú Y phối hợp cùng Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Xuân Huyên thực hiện. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cho biết tình hình nhiễm bệnh và mức độ lưu hành các serovar Leptospira trên đàn lợn ở một số tỉnh khu vực Trung du và Miền Núi phía Bắc, bổ sung vào cơ sở dữ liệu bệnh Leptospirosis ở nước ta, đồng thời đề xuất bổ sung các serovar Leptospira phổ biến đang lưu hành ở khu vực nghiên cứu mà trong thành phần của vacxin đang sử dụng chưa có để sản xuất vacxin phòng bệnh xoắn khuẩn cho lợn có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thực địa. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần đề xuất các biện pháp chẩn đoán và phòng chống bệnh xoắn khuẩn cho lợn có hiệu quả, góp phần phát triển chăn nuôi, đảm bảo an toàn sức khoẻ của cộng đồng, phòng chống bệnh lây nhiễm giữa người và động vật, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh xoắn khuẩn trung bình ở 4 tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình và Lào Cai là 23,61%. - Việc tiêm phòng vacxin xoắn khuẩn cho lợn tại cả 4 tỉnh mới chỉ đạt 12,04%.
- Sử dụng phản ứng vi ngưng kết tan (MAT) với các mẫu huyết thanh lợn thu thập được, đã xác định được tỷ lệ nhiễm xoắn khuẩn trung bình ở lợn tại 4 tỉnh là 7,78% và đã phát hiện được 11 serovar Leptospira khác nhau lưu hành là: L. autumnalis, L. bataviae, L. canicola, L.icterohaemorrhagiae, L grippotyphosa, L. hebdomadis, L. pomona, L. pyrogenes, L. semaranga, L. sejroe saxkoebing và L. tarassovi.
- Đã xác định được tỷ lệ chuột, loài động vật trung gian truyền bệnh xoắn khuẩn được khảo sát tại 4 tỉnh nghiên cứu có tỷ lệ mang xoắn khuẩn trung bình là 30,83% với 5 serovar lưu hành là L. canicola, L. bataviae, L. javanica, L. pyrogenes và L. tarassovi.
- Đã xây dựng thành công quy trình chẩn đoán phân biệt bệnh xoắn khuẩn với bệnh do nhiễm aflatoxin trong thức ăn chăn nuôi ở lợn căn cứ trên đặc điểm dịch tễ, biểu hiện lâm sàng, bệnh tích và xét nghiệm phân tích xoắn khuẩn và Aflatoxin trong phòng thí nghiệm. Độ chính xác khi áp dụng quy trình để chẩn đoán bệnh có thể đạt đến 95-100%.
- Để phòng chống bệnh xoắn khuẩn cho lợn có hiệu quả, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, bao gồm: Tiêm phòng vacxin đầy đủ cho lợn, tiêu diệt chuột tại các khu vực chăn nuôi và ở gia đình, đảm bảo điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, giám sát bệnh thường xuyên về lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm khi có nghi ngờ để khẳng định bệnh, nếu lợn được khẳng định mắc bệnh thì phải xử lý theo quy định.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15253/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)
truyền nhiễm, động vật, triệu chứng, tất cả, trung du, kết quả, nghiên cứu, gia súc