Nghiên cứu ảnh hưởng của dung môi hữu cơ đến thính lực công nhân tiếp xúc và đề xuất biện pháp phòng ngừa
Cập nhật vào: Thứ năm - 14/12/2023 00:01 Cỡ chữ
Tiếng ồn vẫn được coi là yếu tố nguy cơ chính gây giảm sức nghe của công nhân tiếp xúc và bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn cũng luôn là một trong những bệnh đứng hàng đầu trong các bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng hóa chất cũng gây độc lên tai của công nhân tiếp xúc. Hóa chất ảnh hưởng đến sức nghe bao gồm dung môi hữu cơ, hơi kim loại, khí gây ngạt, hóa chất trừ sâu. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tiếp xúc nghề nghiệp với hóa chất, riêng lẻ hay phối hợp, cũng là yếu tố nguy cơ gây giảm nghe.
Hình mô tả vị trí gây tổn thương cơ quan thính giác của một số hóa chất, dung môi hữu cơ
Dung môi hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề, nhiều quy trình sản xuất: sản xuất sơn, giầy, đồ gỗ, thuốc nhuộm, vật liệu kết dính, nhựa, cao su, điện tử, in… trong đó công nghiệp sản xuất sơn và giầy là một trong những ngành sử dụng nhiều dung môi hữu cơ cả về số lượng, chủng loại cũng như số lượng công nhân tiếp xúc.
Xuất phát từ thực tiễn trên, ThS. Hà Lan Phương và nhóm nghiên cứu tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã thực hiện “Nghiên cứu ảnh hưởng của dung môi hữu cơ đến thính lực công nhân tiếp xúc và đề xuất biện pháp phòng ngừa” với mục tiêu: Đánh giá thực trạng ô nhiễm dung môi hữu cơ tại một số cơ sở sản xuất sơn, giày da trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng; Mô tả tình hình, đặc điểm giảm thính lực của công nhân và mối liên quan đến tiếp xúc dung môi hữu cơ trong các cơ cở sản xuất trên và đề xuất biện pháp phòng ngừa.
Tác động hiệp đồng xảy ra khi tiếp xúc đồng thời dung môi và tiếng ồn được chứng minh trên động vật thí nghiệm đó có thể do dung môi làm thay đổi cấu trúc niêm mạc tế bào lông ngoài làm cho chúng mảnh mai hơn dễ bị tổn thương hơn, do đó với cùng năng lượng âm thanh tác động vào ốc tai sẽ gây hại hơn nếu tiếp xúc đơn lẻ với dung môi. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự giống và khác nhau về cơ chế gây tổn thương của các loại dung môi khác nhau. Kết quả nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy styren là dung môi gây độc lên cơ quan thính giác hơn cả. Từ đó cho gợi ý rằng khi tiếp xúc với hỗn hợp dung môi cần phải xem xét từng loại dung môi để đề xuất các biện pháp đánh giá ảnh hưởng lên sức khỏe nói chung ảnh hưởng lên cơ quan thính giác nói riêng cũng như các biện pháp phòng ngừa an toàn hiệu quả.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả chính như sau:
1. Đã mô tả được thực trạng ô nhiễm dung môi hữu cơ tại một số cơ sở sản xuất sơn, giày
- Quy trình sản xuất sơn, giày sử dụng hỗn hợp nhiều loại dung môi hữu cơ, chủ yếu là Toluen, Benzen, Xylen, Ethyl acetat, Butyl acetat.
- Hầu hết các vị trí khảo sát nồng độ DMHC đều trong giới hạn cho phép. Có 5/56 (chiếm tỷ lệ 8,9%) vị trí nồng độ Benzen vượt TCCP từ 1,16 - 2,7 lần.
- Đa số các vị trí chỉ số tiếp xúc dưới 0,5 chiếm tỷ lệ 73,2%. Chỉ có 6/56 mẫu có chỉ số tiếp xúc >1 (mức tiếp xúc vượt TCCP) chiếm tỷ lệ 10,7%
2. Đã đánh giá được tình hình đặc điểm giảm thính lực của công nhân tiếp xúc và mối liên quan đến tiếp xúc đến tiếp xúc với DMHC trong các cơ sở sản xuất trên và đề xuất biện pháp phòng ngừa
- Tỷ lệ giảm nghe chung của nhóm tiếp xúclà 35,4% trong đó giảm nghe dạng tiếp nhận tần số cao 2 tai là 28,5%; giảm nghe dạng tiếp nhận 1 tai là 5,8% và giảm nghe dạng khác là 1,1%.
- Tỷ lệ giảm nghe dạng tiếp nhận tần số cao 2 tai của nhóm tiếp xúccao hơn nhóm đối chứng 27,11 lần (95%CI 12,78 - 60,01), sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê với p <0,01.
- Giảm nghe tiếp nhận tần số cao với biểu đồ điển hình hình chữ J với điểm cao nhất ở tần số 1000Hz.
- Mức độ giảm nghe nhẹ và vừa với PTA ≤ 65 dB chiếm đa số 98,9%.
- Giảm nghe mức độ nhẹ với ngưỡng nghe tại tần số 4000Hz ≤ 50dB chiếm đa số với tỷ lệ 70,6%.
- Tỷ lệ giảm nghe tăng theo nhóm tuổi đời, tuổi nghề có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
- Tỷ lệ giảm nghe tăng theo hàm lượng a xít hippuric niệu, tuy nhiên sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
- Thời gian tiềm tàng của các sóng, giữa các sóng I, III, V trên ABR của nhóm giảm nghe tiếp nhận tần số cao 2 tai kéo dài hơn so với giá trị tham chiếu, sự khác biệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
- Đề xuất biện pháp phòng ngừa: nhận biết nguy cơ, kiểm soát tiếp xúc, sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân và biện pháp y tế
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18849/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)