Nghiên cứu lượng giá thiệt hại kinh tế do các hiện tượng khí tượng thuỷ văn cực đoan gây ra và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 17/11/2022 12:49 Cỡ chữ
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan (KTTVCĐ) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do vị trí địa lý và địa hình. Trong những năm gần đây, dưới tác động của BĐKH, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trong 20 năm qua, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 800 đợt thiên tai (trung bình 40 đợt/năm) với cường độ và tần suất ngày càng tăng gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. Đặc biệt các thiên tai lớn, có hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra trong giai đoạn 2005-2015. Hiện nay, Việt Nam phải chịu thiệt hại hàng năm từ 1.4-1.8% GDP do thiên tai.
Tại Việt Nam, miền Trung là khu vực gánh chịu các hiện tượng thủy văn cực đoan nhiều nhất. Các hiện cũng để lại hậu quả đáng kể không chỉ trong ngắn hạn mà còn có các tác động trung và dài hạn tới nền kinh tế. Những tác động trung và dài hạn có thể bao gồm giảm mức tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, giảm thu nhập và năng suất, ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư và nội thương.
Theo Cavallo và Noy (2011), khi thiên tai xảy ra, nó sẽ có tác động tới nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn (1-3 năm) mà còn cả trung hạn (dưới 5 năm) và dài hạn (trên 5 năm). Việc lượng giá thiệt hại kinh tế do tác động của thiên tai có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp các thông tin đầu vào trong quá trình quản lý ứng phó thiên tai và các hiện tượng thủy văn cực đoan.
Lượng giá thiệt hại kinh tế do các hiện tượng KTTVCĐ gây ra cũng được đề cập như một trong các hoạt động ưu tiên trong Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH (2008), Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011) và Kế hoạch hành động quôc gia về BĐKH (2012) của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS.TS. Trần Thọ Đạt thực hiện “Nghiên cứu lượng giá thiệt hại kinh tế do các hiện tượng khí tượng thuỷ văn cực đoan gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu lượng giá thiệt hại kinh tế do các hiện tượng khí tượng thuỷ văn cực đoan (KTTVCĐ) gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam.
Về khoa học, mọi yếu tố khí tượng, hay biến khí hậu được xem là một đại lượng ngẫu nhiên có tập giá trị đổi trong một giới hạn nào đó. Giới hạn này có thể bị chặn hay không bị chặn, có thể bị chặn một phía hoặc cả hai phía.
Theo báo cáo của IPCC (The Fourth Assessment Report of IPCC, 2012), hiện tượng khí hậu cực đoan nói chung và KTTVCĐ nói riêng là hiện tượng hiếm ở một nơi cụ thể khi xem xét phân bổ thống kê của nó. Định nghĩa ‘hiếm’ có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng thông thường được hiểu là tần suất xuất hiện của nó nhỏ hơn 10%. Hiện tượng KTTVCĐ có thể xác định từ yếu tố khí hậu. Nói cách khác, hiện tượng khí hậu cực đoan phần lớn không được quan trắc trực tiếp mà người ta căn cứ vào số liệu quan trắc các yếu tố khí hậu để xác định hoặc qui định một hiện tượng nào đó có xuất hiện hay không.
Theo những đánh giá Chỉ số rủi ro kinh doanh do biến đổi khí hậu do Đại học Cambridge (Anh) công bố năm 2020, hiện tượng KTTVCĐ như bão, lũ, nắng nóng và hạn hán do biến đổi khí hậu sẽ làm tăng khoảng 20% mức thiệt hại của toàn cầu vào năm 2040. Cụ thể, các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ làm tăng thiệt hại toàn cầu từ mức trung bình khoảng 195 tỷ USD thiệt hại trực tiếp mỗi năm hiện nay lên 234 tỷ USD vào năm 2040, tức là mỗi năm tăng 39 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại. Nếu tính cả những thiệt hại gián tiếp do sự gián đoạn các chuỗi cung ứng và những ảnh hưởng khác của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế, mức thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể tăng thêm hơn 100 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH 20 năm qua vì bão, lũ và hạn hán theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Tác động của BĐKH đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Lý thuyết và qui trình lượng giá tác động kinh tế do các hiện tượng KTTVCĐ Lượng giá tác động kinh tế của BĐKH nói chung và của các HTKTTVCĐ nói riêng là một lĩnh vực có cơ sở lý thuyết và các phương pháp thực nghiệm chuyên sâu, hệ thống. Điểm mấu chốt của việc đánh giá là tìm hiểu được sự liên hệ giữa các chức năng sinh thái của hệ sinh thái với những giá trị mà nó tạo ra cho hệ thống phúc lợi xã hội của con người. Tổng giá trị kinh tế của một hệ sinh thái bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp, giá trị sử dụng gián tiếp, giá trị lựa chọn và giá trị phi sử dụng. Khi có sự cố môi trường xảy ra thì các nhóm giá trị này sẽ bị suy giảm.
Kết quả lượng giá thiệt hại của các hiện tượng KTTVCĐ điển hình
Trong nội dung nghiên cứu chính, đề tài đã áp dụng nhiều kỹ thuật lượng giá từ truyền thống tới hiện đại để lượng giá những thiệt hại kinh tế do các hiện tượng KTTVCĐ điển hình gây ra tại khu vực 9 tỉnh ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh tới Phú Yên) gây ra. Đó là cơn bão Xangsane (2006), Lũ do bão Ketsana (2009) và trận hạn điển hình tại Phú Yên (2013).
Một số số điểm nhấn chính trong kết quả lượng giá thiệt hại kinh tế trực tiếp
Đối với cơn bão điển hình Xangsane, thiệt hại kinh tế trực tiếp do bão Xangsane là khoảng 20 ngàn tỷ đồng tính theo giá so sánh năm 2006: gần 4 ngàn tỷ USD cho nhà ở (chiếm 33%), 160 ngàn tỷ cho giáo dục và y tế, 48 ngàn tỷ cho văn hóa, 4.2 ngàn tỷ cho nông, lâm, diêm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản (chiếm 35%) 635 tỷ cho thủy lợi, 2.8 ngàn tỷ cho giao thông, 220 tỷ cho thông tin liên lạc. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại tác động lên nhiều lĩnh vực khác. Trong phân tích hiện tại, phần thiệt hại của các hộ gia đình và doanh nghiệp (khu vực tư nhân là 8.5 ngàn tỷ đồng) chiếm 70% tổng thiệt hại trực tiếp.
Mô hình kiểm soát tích hợp
Trong nghiên cứu này, phương pháp kiểm soát tích hợp được áp dụng cho việc nghiên cứu so sánh nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của đợt hạn hán điển hình đến thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam. Nhóm xử lý là tỉnh Phú Yên, nhóm kiểm soát là 29 tỉnh được chọn ra từ 63 tỉnh thành của Việt Nam. Các số liệu về kinh tế được thu thập từ Tổng cục Thống kê còn các số liệu về thiên tai được thu thập từ Hệ quản lý thông tin thiên tai và Cơ sở dữ liệu về các sự kiện khẩn cấp trong giai đoạn 2000-2018. Kết quả cho thấy đợt hạn làm giảm thu nhập bình quân đầu người trong ngắn hạn khi xét thu nhập như là một biến số tổng hợp của các loại thu nhập khác. Mức giảm thu nhập đầu người do hạn hán được ước lượng là 160.000 đ/tháng. Tác động này chỉ tồn tại trong vòng 3 năm sau khi thiên tai xảy ra.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17687/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)