Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy tối thiểu hệ thống sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam có xét vai trò điều tiết của sông Hồng nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch và cải thiện chất lượng môi trường nước
Cập nhật vào: Thứ sáu - 29/12/2023 03:15
Cỡ chữ
Trước tình hình ô nhiễm diễn ra trầm trọng trong hệ thống sống liên vùng (HTSLV) Hà Nội, Hà Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia môi trường trong và ngoài nước đang từng bước tìm kiếm các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm các sông, đặc biệt là các sông nội đô Hà Nội. Nhiều giải pháp khoa học công nghệ đã được áp dụng như: công nghệ Bionano, sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng môi trường nước sông bị ô nhiễm song hiệu quả chưa cao. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Công trình được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước tại các sông nội đô. Đối với sông Nhuệ, sông Đáy tình trạng ô nhiễm diễn ra không kém sông Tô Lịch nhưng nếu áp dụng giải pháp thu gom, đưa về các trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung thì yêu cầu về quy mô, công suất và kinh phí để xử lý nước thải là rất lớn và khó khả thi với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.
Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Hữu Huế tại Trường Đại học Thủy lợi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp duy trì dòng chảy tối thiểu hệ thống sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam có xét vai trò điều tiết của sông Hồng nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch và cải thiện chất lượng môi trường nước” từ năm 2018 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm đánh giá được thực trạng, diễn biến, nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước các sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam; và đề xuất được các giải pháp khoa học công nghệ duy trì dòng chảy tối thiểu của hệ thống sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam có xét đến vai trò điều tiết của sông Hồng nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch và cải thiện chất lượng môi trường nước.
Sau hai năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
Một là, đã xác định dòng chảy tối thiểu (DCTT) duy trì khả năng tự làm sạch, cải thiện chất lượng môi trường nước đáp ứng được yêu cầu chất lượng nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên sông Nhuệ, sông Đáy.
Hai là xác định được nguồn nước ổn định cấp cho sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch thông qua phân tích chuỗi số liệu mực nước quan trắc liên tục giai đoạn 2014-2018 tại các công trình thủy lợi đầu mối dọc sông Đà, sông Hồng Hà Nội nhằm đánh xu thế hạ thấp mực nước và khả năng vận hành cấp nước vào mùa khô của các công trình.
Ba là đề xuất và lựa chọn được các trạm bơm tưới dọc sông Hồng Hà Nội để lấy nước thường xuyên vào hệ thống sông liên vùng nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch. Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng công trình, quy mô và hiện trạng hệ thống kênh dẫn tưới, đề tài đã đề xuất và lựa chọn được các trạm bơm phù hợp có khả năng khai thác sử dụng đa mục tiêu, phục vụ việc lấy nước thường xuyên vào hệ thống sông liên vùng nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch.
Bốn là đề xuất tuyến công trình dẫn nước từ các trạm bớm tưới bổ cập cho sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch; đề xuất tuyến công trình dẫn nước từ sông Tích bổ cập dòng chảy tối thiểu cho sông Đáy, sông Nhuệ nhằm tăng cường khả năng tự làm sạch; cũng như xây dựng quy trình vận hành các công trình bổ cập, điều tiết dòng chảy duy trì khả năng tự làm sạch cho các sông liên vùng Hà Nội, Hà Nam.
HTSLV Hà Nội, Hà Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển bền vững thủ đô Hà Nội và các tỉnh nằm trong lưu vực, nhưng là một trong những lưu vực sông bị đánh giá là ô nhiễm nhất Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu phục hồi và bảo vệ tài nguyên nước các sông có ý nghĩa rất quan trọng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19239/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)