Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp
Cập nhật vào: Thứ sáu - 22/04/2022 01:01 Cỡ chữ
Ngày nay, công nghệ, tri thức và sáng tạo đã trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp. Khai thác nguồn tài sản trí tuệ, phát triển sản xuất các hàng hóa có hàm lượng chất xám cao, phát huy được sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp nội địa sẽ là nhân tố quyết định cho sự phát triển của đất nước. Việc kinh doanh của các doanh nghiệp dựa trên các kết quả của hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ tài sản trí tuệ sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn rất nhiều lần những sản phẩm thô sơ là kết quả của lao động giản đơn, đây chính là cách thức để tạo ra lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.
Do vậy, yêu cầu của việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy và ứng dụng các kết quả hoạt động sáng tạo trong giới trẻ đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp khởi nghiệp là vấn đề cấp bách được đặt ra hiện nay. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH IpCom Việt Nam do Trần Thị Tám dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp” từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện hai mục tiêu: tuyên truyền sâu rộng về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp; và tạo diễn đàn kết nối các chuyên gia và sinh viên, doanh nghiệp khởi- nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn.
Đề tài được triển khai đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, tạo nên được một diễn đàn kết nối các chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ với các sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và tư vấn ứng dụng lý luận vào thực tiễn.
Sau 2 năm thực hiện, dự án nghiên cứu đã xây dựng được hệ thống và sử dụng các công cụ truyền thông xã hội về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, tạo sự tương tác gắn kết, cung cấp thông tin cho những người tham gia cộng đồng, đưa hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo vệ tài sản trí tuệ trở thành một trong những công cụ phục vụ cho việc phát triển kinh tế một cách bền vững. Từ những kết quả trên, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết trong việc triển khai thực hiện dự án cũng như đặt ra nhu cầu cho việc tiếp tục duy trì, phát triển dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17082/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)