Một số giải pháp phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Cập nhật vào: Thứ ba - 30/05/2023 11:05 Cỡ chữ
Từ năm 2018 đến năm 2020, nhóm nghiên cứu tại Viện Dân tộc học do TS. Nguyễn Công Thảo dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Một số giải pháp phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số”.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu phân tích, làm rõ thực trạng các mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) vùng dân tộc thiểu số; và đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách phát triển các mô hình du lịch cộng đồng góp phần giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Đề tài đã chỉ ra hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ), nếu xếp theo mức độ phát triển, đang vận hành thường xuyên, hiệu quả nhất nhất ở Mai Châu, theo sau là Lạc Dương, A Lưới và Tân Châu. Sự kết hợp loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm dựa trên việc tận dụng tối đa nguồn lực, lợi thế tại chỗ giúp một bộ phận người Thái ở Mai Châu có nguồn thu nhập ổn định, thườngxuyên. Hoạt động DLCĐ không chỉ giúp người Thái giảm nghèo mà còn làm giàu, tạo việc làm, thu nhập cho một số cộng đồng láng giềng. Trong khi đó, sản phẩm du lịch chính ở A Lưới mới chỉ tận dụng được một phần lợi thế hoang sơ của cảnh quan tự nhiên trong khi hình thức du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa chưa phát triển. Thu nhập từ hoạt động DLCĐ mới chưa thường xuyên, chưa trở thành nguồn thu quan trọng giúp họ thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đối với người Cơ ho ở Lạc Dương, du lịch văn hóa mà cụ thể là biểu diễn cồng chiêng vẫn là sản phẩm du lịch chính. Tiềm năng để phát triển loại hình du lịch canh nông, du lịch sinh thái ở đây chưa được tận dụng. Điều đó dẫn đến dòng chảy của phần lớn thu nhập chảy vào một nhóm nhỏ, thay vì cả cộng đồng. Đây cũng là tình trạng được ghi nhận ở cộng đồng người Chăm ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu.
Tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch thể hiện rõ nét nhất ở Mai Châu. Với lợi thế phát triển loại hình nhà nghỉ cộng đồng từ cách đây gần 30 năm, người Thái đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm, mạng lưới xã hội cần thiết để phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng thu nhập. Hầu hết các thành viên trưởng thành trong các hộ ở bản Lác, Pom Coọng đều trực tiếp tham gia phục vụ khách với phân công lao động khá rõ ràng. Tính chuyên nghiệp ở Lạc Dương cũng đã hình thành, nhưng mới chỉ thể hiện ở nhóm biểu diễn cồng chiêng. Hoạt động DLCĐ phát triển ở đây chưa đầy 20 năm. Mô hình nhà nghỉ cộng đồng, một sản phẩm đặc trƣng của DLCĐ chưa phát triển ở đây, một phần do vị trí địa lý nằm quá gần thành phố Đà Lạt, một phần kiến trúc nhà truyền thống không còn được lƣu giữ. Trong khi đó, tính chuyên nghiệp chưa thể hiện ở người Tà ôi, Chăm khi hoạt động này mang tính mùa vụ và mới chỉ xuất hiện cách đây chưa đầy 10 năm.
Xét về mặt tiềm năng, cả ba điểm đều có cơ hội để phát triển loại hình DLCĐ như ở Mai Châu, đặc biệt là ở A Lưới và Lạc Dương. Lý do những tiềm năng này chưa được biến thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể là do thiếu sự tham gia, hợp tác, đầu tư từ phía chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và công tác truyền thông. Trong bối cảnh người dân địa phương thiếu vốn tài chính, mạng lưới xã hội và kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ DLCĐ, sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền địa phương và các bên liên quan là hết sức cần thiết. Phát hiện mà nghiên cứu này chỉ ra là yếu tố con người đóng vai trò trung tâm, quyết định sự thành công, bền vững của hoạt động DLCĐ. Dù là những sứ giả văn hóa, am hiểu môi trường tự nhiên tại chỗ, người dân vẫn cần có những hỗ trợ, tập huấn liên quan đến tìm kiếm, duy trì, phát triển mối quan hệ với khách du lịch cũng như các kỹ năng mềm khác như phục vụ phòng, nấu ăn, ngoại ngữ, tin học để có thể đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng khách du lịch.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy vai trò của nguồn lực tự nhiên và văn hóa đóng vai trò quan trọng và bổ trợ cho nhau, là điều kiện tiên quyết, tạo tiền đề quan trọng để mô hình DLCĐ có thể phát triển. Cảnh quan sinh thái là tiền đề quan trọng để trình diễn các thực hành văn hóa, hấp dẫn khách du lịch đến thăm trong giai đoạn đầu, trong khi sự đa dạng của các sản phẩm văn hóa giúp lưu giữ khách ở lại lâu hơn cũng như trở lại trong tương lai. Điều đáng quan ngại là sự mai một văn hóa truyền thống tộc người đang diễn ra ở cả 4 điểm khảo sát. Điều đó góp phần lý giải vì sao một số du khách được hỏi thừa nhận sẽ không quay trở lại trong tương lai. Quá trình mai một văn hóa truyền thống có liên quan đến tình trạng suy thoái môi trường. Có thể đưa ra 1 ví dụ: nghề dệt thổ cẩm thủ công, rượu cần, các món ăn truyền thống đang ngày càng phai nhạt trong đời sống của cả 4 nhóm tộc người. Chính sách quản lý rừng, tình trạng phá rừng, tàn phá môi trườn gtự nhiên là những nhân tố quan trọng, tác động đến việc người dân không còn trồng bông, canh tác các giống lúa truyền thống hay khai thác các loại gia vị làm nên đặc trưng văn hóa ẩm thực của họ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18393/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)