Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu
Cập nhật vào: Thứ tư - 08/11/2023 12:05 Cỡ chữ
Cây dừa được xem như “cây của cuộc sống”, “cây của 1.001 công dụng”, được trồng tại 93 quốc gia dọc theo đường xích đạo với tổng diện tích hơn 12,5 triệu ha. Mạng lưới Tài nguyên Di truyền cây dừa Quốc tế (COGENT) thuộc Tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế (Bioversity International) đang quản lý hơn 900 mẫu giống dừa của 38 quốc gia thành viên để thực hiện công tác chọn tạo, trao đổi giống nhằm mục tiêu gia tăng năng suất và cải thiện các đặc tính di truyền hữu ích của cây dừa. Ấn Độ đang lưu giữ 132 mẫu giống, Inđônêxia đang lưu giữ 107 mẫu giống, Philipin đang lưu giữ 224 mẫu giống, Thái Lan đang lưu giữ 34 mẫu giống, Côte d’Ivoire đang lưu giữ 92 mẫu giống, tất cả đều được bảo tồn ở dạng ex-situ. Một số quốc gia cũng đã sử dụng kỹ thuật chỉ thị phân tử để đánh giá mức độ đa dạng di truyền nguồn gen cây dừa như Sri Lanka, Philipin.
Cây phi long được xếp vào nhóm hạt có hàm lượng dầu nhân hạt cao nhất (≥ 70% -Caroten được dùng trong ngành công nghiệp). Dầu phi long rất giàu thực phẩm. Đồng thời, cây phi long còn được trồng để chắn bão, mọc được trên các vùng đất sỏi đá, nghèo dinh dưỡng, lấy gỗ, nên được các nước Philipin, Úc… nghiên cứu phát triển. Cây phi long có thể là một giải pháp cho các vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đang được Philipin bảo tồn dưới dạng ex-situ.
Việc thu thập các mẫu giống Jatropha và lập vườn tập đoàn giống đã được triển khai ở Ấn Độ. Viện ICRISAT đã tiến hành thu thập được 15 mẫu giống từ các bang ở Ấn Độ. Viện đã khảo sát tập đoàn giống Jatropha, kết quả cho thấy tỷ lệ hoa đực/cái là từ 4:1 tới 16,6:1 và số quả/cây là 90, hàm lượng dầu từ 33,1-39,1% (ICJC 06091). Ấn Độ đã thành công khi chọn tạo được giống Jatropha mới có hàm lượng dầu 49,2% và 47,8% protein, trong khi các giống hiện có hàm lượng dầu thường dao động trong khoảng từ 31-37%. Ngoài ra chương trình nghiên cứu hợp tác của Ấn Độ và nhiều nước khác cũng đã thành công trong chọn tạo giống Jatropha không độc, dầu có thể làm dầu ăn và bánh dầu có thể làm thức ăn gia súc. Brazil đã chọn tạo thành công được giống Jatropha chịu lạnh. Đã thử nghiệm thành công cấy mô Jatropha ở Ấn Độ, Singapo và các cây cấy mô năng suất cao đang được cung cấp cho sản xuất. Theo Parthiban, Ấn Độ đã thu thập được 2315 mẫu giống Jatropha từ khắp nơi trên thế giới để phục vụ cho chương trình lai tạo giống.
Tài nguyên di truyền thực vật có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp vật liệu ban đầu để lai tạo ra giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học nên giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên di truyền sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên thực vật nói riêng càng đa dạng và phong phú sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác chọn tạo giống mới phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Lê Công Nông và nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu” với mục tiêu: Lưu giữ an toàn nguồn gen cây nguyên liệu dầu (dừa, phi long, Jatropha, lạc, vừng và đậu tương) và cây tinh dầu (Bạc hà, hương nhu, tràm trà, sả chanh, gừng, long não, bạch đàn chanh…).
Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về sự đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Tuy nhiên sự đa dạng tài nguyên sinh vật tại nước ta đang bị suy giảm về chủng loại và số lượng do việc khai thác bừa bãi và thiếu ý thức, do thiên tai, do thói quen canh tác lạc hậu chưa được cải thiện, do sự gia tăng dân số kèm theo quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại khắp các vùng trong cả nước. Chính vì vậy từ năm 1987 Nhà nước đã ban hành Quy chế về bảo tồn nguồn gen sinh vật để phát triển bền vững. Cho đến nay, tổng số nguồn gen cây trồng đang được bảo quản nội vi (in-situ) và ngoại vi (ex-situ) đã lên đến 13.500 giống của hơn 100 loài cây trồng. Công tác bảo quản giữ được đầy đủ các chỉ tiêu kỹ thuật như đặc tính giống, khả năng nảy mầm, đảm bảo giữ giống an toàn và nguyên trạng.
Công tác điều tra, thu thập, bảo tồn và đánh giá nguồn gen cây dừa ở Việt Nam đã được Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thực hiện từ thập niên 1980. Đến năm 1995 Dự án COGENT/ADB mà Việt Nam là một thành viên đã đẩy mạnh hoạt động với kết quả là 41 mẫu giống dừa Việt Nam được đưa vào danh mục nguồn gen cây dừa quốc tế CGRD (Coconut Genetic Resource Database) với ký hiệu DGEC (Dong Go Experimental Center). Nguồn gen cây dừa nói trên đã được bổ sung, bảo tồn trên đồng ruộng tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, Bến Tre và bảo tồn tại vườn của nông dân tổng cộng được 51 mẫu giống. Công tác tư liệu hóa, đánh giá nguồn gen cây dừa đã được thực hiện, đến nay đã có 46 mẫu giống dừa đã được đưa vào sách hình (catalogue). Kết quả phân tích đa dạng di truyền bằng kỹ thuật chỉ thị phân tử (molecular markers) cho thấy nguồn gen cây dừa đang được bảo tồn rất phong phú và đa dạng, đây là nguồn vật liệu khởi đầu tốt cho công tác chọn tạo giống dừa mới.
Nhiệm vụ thường xuyên “Lưu giữ và bảo quản nguồn gen cây nguyên liệu dầu và tinh dầu” năm 2020 đã thực hiện được một số kết quả như sau:
Lưu giữ và bảo quản an toàn trên đồng ruộng 51 mẫu giống dừa; 3 mẫu giống Phi long; 86 mẫu giống Jatropha; 21 mẫu giống cây tinh dầu (tràm trà, sả chanh, hương nhu…). Các mẫu giống sinh trưởng và phát triển tốt trên đồng ruộng.
Lưu giữ nguồn gen bằng phương pháp bảo quản hạt trung hạn 176 mẫu giống lạc; 90 mẫu giống vừng; 109 mẫu giống đậu tương. Tỷ lệ nảy mầm của các mẫu giống đều đạt trên 70% và lưu giữ 200g/giống. Một số giống lạc, vừng, đậu tương ưu tú trong quá trình bảo tồn và lưu giữ được phát hiện, có năng suất và hàm lượng dầu cao cung cấp nguồn tư liệu cho các nghiên cứu chọn tạo phù hợp trong giai đoạn hiện nay tại Việt Nam.
Trẻ hóa 9 mẫu hạt nguồn gen (3 mẫu giống lạc, 3 mẫu giống vừng, 3 mẫu giống đậu tương), thu được trên 200g hạt/giống, tỷ lệ nảy mầm trên 85%. Các giống trẻ hóa thể hiện đầy đủ các đặc điểm về sinh trưởng, phát triển và năng suất của mẫu giống gốc được thu thập trước đó.
Đã giới thiệu được các cho công tác chọn tạo giống và khai thác phát triển, cụ thể: Cây lạc: sử dụng 40 giống lạc đã được thu thập và lưu giữ làm vật liệu nghiên cứu trong đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lạc có hàm lượng dầu cao” giai đoạn 2019 - 2023. Cây đậu tương: sử dụng 7 giống đậu tương đã thu thập và lưu giữ làm vật liệu nghiên cứu trong đề tài “Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long” giai đoạn 2018 - 2020. Cây vừng: sử dụng 40 mẫu giống vừng xây dựng thuyết minh đề tài “Chọn tạo giống vừng có năng suất, hàm lượng dầu và axit linoleic cao” giai đoạn 2021-2025.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18834/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)