Làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long
Cập nhật vào: Thứ năm - 02/03/2023 12:05 Cỡ chữ
Công nghệ chọn tạo giống lúa sử dụng tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cơ bản vẫn là phương pháp lai hữu tính và chọn lọc ngoài đồng dựa trên các đặc tính hình thái nên hiệu quả còn chưa cao. Một số công nghệ mới trong chọn tạo giống lúa đã được áp dụng ở các nước phát triển, trong đó có công nghệ kết hợp giữa phương pháp lai hữu tính và sử dụng dấu chỉ thị phân tử, tuy nhiên việc áp dụng tại Viện Lúa ĐBSCL còn rất hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư cho trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực.
Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Trần Ngọc Thạch tại Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long đã thực hiện đề tài: “Làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long” từ năm 2016 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: đảm bảo tính tự chủ của Viện Lúa ĐBSCL thông qua việc tăng thêm nguồn thu từ 30-35% trong vòng 05 năm sau khi kết thúc Tiểu dự án, đáp ứng khoảng 70-75% nhu cầu hoạt động so với mức hiện nay là 35-40%; làm chủ công nghệ chọn tạo giống lúa được tích hợp từ phương pháp lai hữu tính với phương pháp ứng dụng dấu chuẩn phân tử và trên cơ sở này chọn tạo ra 3 giống lúa mới có đặc tính nổi trội (năng suất cao, chất lượng gạo tốt, thích nghi rộng, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường và có giá trị kinh tế cao); và hoàn thiện một cách đồng bộ nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chọn tạo giống, chuyển giao công nghệ và tổ chức sản xuất giống lúa đạt trình độ quốc tế.
Sau bốn năm triển khai, đề tài đã thu được những kết quả sau:
- Hoàn thiện công nghệ chọn tạo giống lúa từ việc tích hợp phương pháp lai hữu tính và phương pháp dấu chuẩn phân tử.
- Dữ liệu hóa 500 nguồn vật liệu (mẫu giống lúa) được đánh giá về các đặc tính nông sinh học, kiểm tra sự hiện diện của các gen kháng sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường và phẩm chất tốt phục vụ cho việc định hướng chiến lược lai tạo giống lúa mới.
- Tạo nguồn vật liệu phân ly từ 500 tổ hợp lai mới.
- Từ nguồn vật liệu trung gian kế thừa, đã tiếp tục chọn lọc và công nhận nhận được 04 giống lúa: OM355, OM20, OM108 và OM375 (OM 355, OM 20 đã được công nhận sản xuất thử và OM 375 và OM108 đã thông qua Hội đồng cơ sở công nhận giống).
- Đã hoàn thiện được bốn (4) dây chuyền công nghệ, vượt 1 so với yêu cầu, bao gồm: 1 dây chuyền làm mạ, 1 dây chuyền chế biến hạt giống, 1 dây chuyền thu gom rơm rạ và 1 quy trình chọn giống cải tiến: ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống.
Kết quả đề tài giúp tăng cường các nguồn lực nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống lúa và góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18141/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)