Khai thác và phát triển nguồn gen trâu Bảo Yên
Cập nhật vào: Thứ năm - 08/08/2024 11:10 Cỡ chữ
Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học về các giống vật nuôi trên thế giới và là một trong các nước được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, các hệ sinh thái, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen vật nuôi của Việt Nam. Trâu Bảo Yên là giống trâu thích ứng và phát triển tốt trong điều kiện sinh thái nước ta, có tầm vóc lớn nhưng chúng cũng có nhiều nhược điểm như sinh trưởng chậm, thành thục muộn, khoảng cách lứa đẻ dài, khả năng cho thịt thấp. Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu một cách tổng hợp và toàn diện về trâu Bảo Yên.
Theo các số liệu, kết quả nghiên cứu ban đầu của một số tác giả về trâu Bảo Yên cho thấy, trâu Bảo Yên với đặc điểm và tập quán chăn nuôi phân tán, chủ yếu ở vùng núi cao của huyện Bảo Yên và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Lào Cai; địa hình phức tạp, hiểm trở, đi lại khó khăn; đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội chưa phát triển. Đây cũng là cơ may giúp trâu Bảo Yên còn có thể là khá thuần chủng so với đàn trâu của các khu vực khác. Từ năm 2008 đến 2013, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Viện Chăn nuôi tiến hành bảo tồn và lưu giữ nguồn gen trâu Bảo Yên. Kết quả cho thấy, khối lượng trung bình của trâu cái lúc 24, 36 và 48 tháng tuổi có khối lượng lần lượt đạt 248,81 kg, 305,97 kg và 342,76 kg. Tương tự như vậy, khối lượng trung bình của trâu đực lúc 24, 36 tháng và 48 tháng tuổi đạt 262,61 kg, 313,54 và 364,03 kg. Tuổi đẻ lứa đầu của trâu chủ yếu là 3-4 năm tuổi 48,1%, khoảng cách giữa 2 lứa đẻ tập chung chủ yếu vào trong khoảng 18-24 tháng tuổi (46,9%). Mặc dù nguồn gen trâu Bảo Yên đã được lưu giữ và bảo tồn nhưng số lượng quần thể chưa nhiều. Vì vậy, TS. Nguyễn Công Định cùng các cộng sự tại Viện Chăn nuôi đã thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen trâu Bảo Yên” nhằm khai thác và phát triển rộng rãi nguồn gen quý này ra sản xuất; xây dựng được đàn trâu hạt nhân, nâng cao tầm vóc và khả năng sinh sản của đàn nhân giống và thương phẩm.
Sau một thời gian thực hiện (từ tháng 09/2016 - 08/2021), đề tài thu được các kết quả như sau:
- Với tổng số 1945 trâu được điều tra thì số trâu đực là 393 con, chiếm 20,21% và trâu cái là 1552 con, chiếm 79,79%. Trong đàn trâu cái thì tỷ lệ trâu cái > 36 tháng tuổi chiếm tỷ lệ khá cao 60,44% (938/1552 con). Khối lượng trâu Bảo Yên đạt tương đối cao ở các lứa tuổi khác nhau, trâu đực trưởng thành có khối lượng trung đạt 486,87 kg và trâu cái trưởng thành có khối lượng 428,72 kg.Tuổi đẻ lứa đầu tập trung vào độ tuổi 3–4 tuổi với tỷ lệ đạt cao tại 02 xã Vĩnh Yên và Xuân Hòa lần lượt là 51,46 và 52,33%. Khoảng cách giữa hai lứa đẻ của đàn trâu điều tra từ 18-24 tháng là 49,66%, từ 24-30 tháng là 24,63%, từ 15-18 tháng chỉ chiếm 17,65% và trên 30 tháng chiếm 8,05%.
- Đàn hạt nhân trâu Bảo Yên với quy mô 60 cái và 03 đực giống. Kết quả nghiên cứu trên đàn hạt nhân cho thấy trâu Bảo Yên mang đặc điểm ngoại hình đặc trưng của trâu đầm lầy với lông và da có màu tro xám, dưới hầu và trước ức có khoang màu trắng; đầu to, trán phẳng, hẹp, mặt ngắn, mõm rộng; Sừng hình cánh cung, hướng về phía sau và hơi vếch lên trên; tai to, rộng và vếch sang hai bên; Cổ con đực to tròn, con cái nhỏ và hẹp, không có yếm; thân ngắn, chân thấp, vai đầy, lưng thẳng, ngực lép, bụng to, mông thấp, đuôi dài đến khoeo và tận cùng có chòm lông, móng xoè. Khối lượng lúc 24 tháng tuổi con đực đạt 300,18 kg và con cái đạt 282,71 kg; đến lúc trưởng thành con đực đạt 663,33 kg và con cái đạt 474,61 kg. Tuổi đẻ lứa đầu của trâu cái là 42,23 tháng; thời gian mang thai 323,47 ngày; khoảng cách lứa đẻ 14,88 tháng và thời gian có chửa lại sau đẻ là 131,60 ngày. Xây dựng được 01 tiêu chuẩn đàn cơ sở đàn hạt nhân và 01 quy trình chọn đàn hạt nhân trâu Bảo Yên.
- Đàn nhân giống trâu Bảo Yên quy mô 80 cái và 04 đực giống. Đàn nhân giống trâu Bảo Yên có khối lượng lúc 24 tháng tuổi con đực đạt 293,58 kg và con cái đạt 275,61 kg. Tuổi đẻ lứa đầu của trâu cái là 43,10 tháng; thời gian mang thai 324,71 ngày; khoảng cách lứa đẻ 15,39 tháng và thời gian có chửa lại sau đẻ là 137,96 ngày. Xây dựng được 01 tiêu chuẩn đàn cơ sở đàn hạt nhân.
- Đã xây dựng được 02 quy trình chăn nuôi cho trâu Bảo Yên nuôi sinh sản và thương phẩm. - 02 mô hình liên hộ chăn nuôi trâu Bảo Yên thương phẩm, quy mô 100 con/mô hình tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Tổng lượng vật chất khô thu nhận hàng ngày của trâu Bảo Yên giai đoạn 13 – 24 tháng tuổi trung bình là 6,31 kg; tổng khối lượng cơ thể tăng là 179,10 kg/con và tăng khối lượng trung bình/tháng đạt 14,93 kg/con; tiêu tốn VCK/kg tăng khối lượng cơ thể trung bình là 12,68 kg. Kết quả mổ khảo sát lúc 24 tháng tuổi cho thấy trâu Bảo Yên có tỷ lệ thịt xẻ và thịt tinh lần lượt đạt 47,27 và 37,49%. Hàm lượng vật chất khô là 22,95%; Protein là 20,07%; lipit là 1,20% và hàm lượng khoáng tổng số là 1,23%.
Đề tài kiến nghị cho phép áp dụng quy trình chăn nuôi trâu Bảo Yên sinh sản và thương phẩm vào thực tiễn chăn nuôi. Tiếp tục theo dõi khả năng sinh trưởng và sinh sản của đàn trâu được sinh ra từ đàn hạt nhân trâu Bảo Yên nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững nguồn gen này và cung cấp đàn trâu giống tốt cho các địa phương khác nhằm tạo ra đàn trâu thương phẩm có năng cao và chất lượng sản phẩm thịt tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tiếp tục phối hợp, tư vấn cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ số tai đàn trâu hạt nhân và có kế hoạch luân chuyển trâu đực giống hạt nhân giữa các nhóm để đảm bảo không bị đồng huyết và cận huyết trong quá trình theo dõi phối giống.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20044 /2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)