Khai thác và phát triển nguồn gen cây Bời lời đỏ (Machilus Odoratissima Nees) ở miền Trung và Tây Nguyên
Cập nhật vào: Thứ tư - 20/09/2023 11:13 Cỡ chữ
Bời lời đỏ tên khoa hoc là Machilus odoratissima Nees, là một loài thực vật thuộc họ Long não (Lauraceae) và phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Bời lời đỏ là loài cây đa mục đích: Vỏ Bời lời chứa các hoạt chất có giá trị trong y học, đã có các nghiên cứu về giá trị và ứng dụng trong y học từ vỏ và các bộ phận khác của cây Bời lời đỏ. Vỏ Bời lời đỏ dùng làm nguyên liệu sản xuất keo dán công nghiệp, sơn, làm hương thơm sử dụng trong nước và xuất khẩu. Gỗ Bời lời đỏ sử dụng làm đồ mộc, làm nguyên liệu ván dăm, ván lạng, làm bột giấy hoặc làm chất đốt…
Mặc dù Bời lời đỏ là loài cây có có giá trị kinh tế - sinh thái- xã hội và y học cao nhưng nguồn gen loài cây này ngày càng bị thoái hoá do người dân trồng rừng từ những nguồn giống chưa được tuyển chọn, thu hái giống từ những rừng trồng đại trà. Chưa có các hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về kỹ thuật nhân giống và trồng rừng thâm canh loài cây này cho khu vực. Các nghiên cứu trước đây còn nhỏ lẻ, manh mún kể cả về nội dung, chiều sâu và quy mô, phạm vi nghiên cứu. Đánh giá chung về bối cảnh nghiên cứu và việc xác định nhiệm vụ, định hướng các kết quả của nhiệm vụ cho thấy loài Bời lời đỏ có giá trị rất lớn về kinh tế, sinh thái, môi trường và xã hội là loài cây quý cần được khai thác và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu những nghiên cứu về khai thác và phát triển nguồn gen loài cây này, thiếu các vườn giống của các nguồn gen trội/quý, các mô hình rừng thâm canh, kỹ thuật gây trồng thâm canh… loài Bời lời đỏ ở vùng miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, chưa khai thác hết tiềm năng của loài cây này. Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Đặng Thái Dương tại Trường Đại học Nông Lâm đã thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen cây Bời lời đỏ (Machilus Odoratissima Nees) ở miền Trung và Tây Nguyên” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu khai thác và phát triển được nguồn gen cây Bời lời đỏ (Machilus odoratissima Nees) ở miền Trung và Tây Nguyên góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cây Bời lời đỏ.
Sau năm năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Kết quả chọn cây dự tuyển và cây trội ở miền Trung và Tây Nguyên: Đề tài đã chọn được 226 cây dự tuyển Bời lời đỏ ở miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó: Quảng Trị chọn được 40 cây; Thừa Thiên Huế chọn được 20 cây; Quảng Nam chọn được 20 cây; Kon Tum chọn được 43 cây; Gia Lai chọn được 103 cây; Dựa vào đặc điểm sinh trưởng và độ vượt trội về sinh khối cây từ 15% trở lên, đề tài đã chọn được 122 cây trội trong 226 cây dự tuyển gồm: 22 cây ở Quảng Trị; 12 cây ở Thừa Thiên Huế; 11 cây ở Quảng Nam; 18 cây ở Kon Tum; 59 cây ở Gia Lai; Dựa vào độ vượt trội về sinh khối vỏ từ 15% trở lên, đề tài đã chọn được 50 cây trội trong 122 cây trội về sinh khối cây. Các cây trội ở các tỉnh là: Tỉnh Gia lai 20 cây; tỉnh Kon Tum 10 cây; tỉnh Thừa Thiên Huế 5 cây, tỉnh Quảng Nam 5 cây và tỉnh Quảng Trị chọn được 10 cây trội.
- Về kết quả xây dựng vườn giống: Từ 50 cây trội được chọn, đề tài đã xây dựng được 2 vườn giống kết hợp khảo nghiệm hậu thế và xuất xứ. Đề tài đã chọn được 15 gia đình ưu tú gồm 8 gia đình ưu tú ở vườn giống miền Trung (M.odora.GL 34, M.odora.GL 42, M.odora.QT3, M.odora.QT8, M.odora.QT4, M.odora.QT2, M.odora.QT7, M.odora.QN20) và 7 gia đình ưu tú ở vườn giống Tây Nguyên (M.odora.KOT 27, M.odora.KOT 28, M.odora.TTH13, M.odora.GL 44, M.odora.GL 50, M.odora.KOT 31, M.odora.KOT 24 )
- Về kỹ thuật tạo cây con từ hạt giống: Đề tài đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm cây bằng hạt với hệ thống biện pháp kỹ thuật.
- Về kỹ thuật nhân giống bằng hom: Đề tài đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật giâm hom loài bời lời đỏ với các hệ thống kỹ thuật chính.
- Về kỹ thuật nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào: Đề tài đã xây dựng được quy trình nhân giống invitro bời lời đỏ: Khử trùng đoạn thân mang chồi nách và lát cắt cây non Bời lời đỏ bằng nano bạc 200 mg/l trong thời gian 20 phút cho tỉ lệ mẫu sống không nhiễm cao nhất là 73,72%.
- Về kỹ thuật trồng rừng thâm canh: Đề tài đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh bời lời đỏ với hệ thống biện pháp kỹ thuật chủ yếu là: Làm đất theo hố với kích thước hố tốt nhất là 40 x40x40cm. Đào hố trước khi trồng rừng khoảng 30 ngày; mật độ trồng phù hợp nhất là 2500 cây/ha; cây con đem trồng là cây 6 tháng tuổi...
- Về xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh: Đề tài đã xây dựng được 5 mô hình rừng trồng thâm canh tại 5 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Kết quả đánh giá về sinh khối Bời lời đỏ của rừng thâm canh đều lớn hơn so với rừng đối chứng với độ vượt trội về sinh khối cây tươi, sinh khối vỏ tươi, sinh khối vỏ khô đều vượt từ 15% trở lên so với rừng đối chứng.
Việc khai thác phát triển nguồn gen và nâng cao giá trị sản phẩm của cây bời lời đỏ giúp đảm bảo an sinh sinh kế người dân địa phương trong giai đoạn hiện nay và bền vững trong tương lai.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18799/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)