Ứng dụng KH&CN ở địa phương
Cập nhật vào: Thứ sáu - 05/06/2020 03:44 Cỡ chữ
Thời gian qua, chính quyền các địa phương đã quan tâm nhiều hơn tới ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong phát triển kinh tế - xã hội; trung bình trên 70% kết quả được đưa vào ứng dụng thực tế.
Ứng dụng khoa học và công nghệ tác động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các địa phương
Quan tâm đầu tư
Báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) tại Hội nghị trực tuyến giám đốc Sở KH&CN toàn quốc mới đây cho thấy, năm 2019, Bộ KH&CN đã xem xét hỗ trợ các địa phương triển khai được gần 200 nhiệm vụ KH&CN. Cùng với đó, các địa phương đã triển khai thực hiện 3.707 nhiệm vụ KH&CN các cấp, trong đó có 1.393 nhiệm vụ mở mới, còn lại là chuyển tiếp.
Trong điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn nhưng các địa phương luôn quan tâm đầu tư cho hoạt động KH&CN, trong đó nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp KH&CN được nhiều địa phương bố trí cao hơn số trung ương giao. Đáng chú ý, đã có 35/63 địa phương thành lập Quỹ Phát triển KH&CN, trong đó có 4 địa phương huy động được thêm nguồn đóng góp từ doanh nghiệp. Tổng kinh phí của các quỹ là 753,727 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước, năm 2019, các địa phương đã huy động được 3.758,1 tỷ đồng chủ yếu là nguồn đối ứng của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Các địa phương vẫn tiếp tục dành khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KH&CN từ ngân sách nhà nước để chi hỗ trợ cho hoạt động nghiên ứng dụng, phát triển công nghệ. Hoạt động này được triển khai theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo chuỗi giá trị sản phẩm, hướng tập trung ưu tiên vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của địa phương, nên đã phát huy được kết quả nghiên cứu.
Nhờ việc quan tâm ban hành chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2019, 13.997 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động đổi mới công nghệ; 161 doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ; 90 công nghệ được chuyển giao, đưa vào ứng dụng; 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng giá trị 3.650 triệu đồng.
Tái cấu trúc các chương trình
Thời gian tới, để hoạt động KH&CN phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chuyên gia cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ, thành tựu KH&CN tiên tiến; làm chủ nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao...
Đồng thời, tập trung hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giải quyết các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị, để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Coi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương là đối tượng trung tâm, để hoạt động KH&CN tác động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Địa phương cũng cần chủ động khai thác hỗ trợ nhà nước thông qua các chương trình quốc gia về KH&CN; tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh, tái cấu trúc lại những chương trình KH&CN để hoạt động nghiên cứu, triển khai đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới. Lồng ghép việc xây dựng nội dung phát triển KH&CN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Điểm mới trong hoạt động KH&CN tại các địa phương những năm gần đây là xu thế liên kết thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính chất liên tỉnh, liên vùng, và chia sẻ thông tin KH&CN đang được hình thành, phát triển tốt; tạo ra cơ hội để các địa phương cùng chung tay giải quyết các vấn đề KH&CN chung của vùng hoặc một số địa phương trong vùng.
NASATI
thời gian, quan tâm, ứng dụng, khoa học, công nghệ, phát triển, kinh tế, xã hội, trung bình, kết quả