Hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cập nhật vào: Thứ hai - 04/11/2024 12:06 Cỡ chữ
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự tích hợp của công nghệ và số hóa, đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống xã hội Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách nhằm thích ứng với bối cảnh này, trong đó có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị, khẳng định vai trò của công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, cũng như xây dựng Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, việc triển khai Chính phủ điện tử và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thông tin chưa đảm bảo an ninh, chất lượng thông tin không kịp thời và nhân lực thiếu chuyên môn. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu khung pháp lý đồng bộ về hành chính số.
Để thích ứng tốt hơn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 đã nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực tham gia vào Cách mạng công nghiệp lần này. Trong thời gian tới, việc hoàn thiện khung pháp lý về hành chính số dựa trên công nghệ số là nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Dương Thị Tươi cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện đề tài “Hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với mục tiêu nghiên cứu luận giải cơ sở lý luận, thực tiễn, từ đó đề xuất các quan điểm và giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bằng phương pháp tiếp cận và nghiên cứu khoa học phù hợp, Đề đã đạt được mục đích nghiên cứu đề ra. Kết quả nghiên cứu có thể khái quát như sau:
1. Trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về nhà nước và pháp luật, Đề tài đã xây dựng được khái niệm, phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm và các yếu tố cấu thành của nền hành chính số; khái niệm, đặc điểm, vai trò và nội dung của khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số. Bên cạnh đó, Đề tài nghiên cứu, tham khảo về pháp luật về xây dựng nền hành chính số ở một số nước trên thế giới và đưa ra các giá trị tham khảo cho Việt Nam hiện nay.
2. Đề tài phân tích các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là những tiêu chuẩn để hoàn thiện các yếu tố cấu thành của khung pháp lý; đồng thời, cũng là những yêu cầu, công cụ để nhóm nghiên cứu để tài sử dụng để đánh giá thực trạng của khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam hiện nay thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Đề tài đã đánh giá thực trạng khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo các nội dung được luận giải ở phần lý luận; bao gồm: khái quát quá trình hình thành và phát triển của khung pháp lý về ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, là tiền đề pháp luật về xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng nền hành chính số; Đánh giá thực trạng khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam hiện nay thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giai đoạn 2011-2020 – giai đoạn thực hiện Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước, thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số. Đây là cơ sở thực tiễn để đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam hiện nay thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
4. Căn cứ vào thực trạng trên đây, Đề tài đề xuất một số quan điểm và giải pháp tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam hiện nay thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó nhấn mạnh nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số, như tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý HCNN, hoàn thiện quy định về giao dịch điện tử, về lưu trữ điện tử… kiến nghị xây dựng Luật Chính phủ số. Đồng thời đề tài cũng đề xuất một số giải pháp bảo đảm các điều kiện hoàn thiện khung pháp lý về xây dựng nền hành chính số ở Việt Nam. Thực hiện các giải này sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi; không ngừng nâng cao hiệu 35 lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20322/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)