Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 09/08/2023 11:02 Cỡ chữ
Trong thời gian qua, mô hình quản lý tài chính này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tốt chức năng của một Ngân hàng Trung ương (NHTW) và chức năng của một Bộ quản lý ngành ngân hàng; đảm bảo cho NHNN quản lý chặt chẽ, an toàn và hiệu quả nguồn vốn, tài sản của Nhà nước giao, đáp ứng đủ nguồn lực tài chính cho các đơn vị NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như tạo điều kiện về thu nhập cho cán bộ công chức.
Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng nói chung và các yêu cầu về vai trò, vị thế của NHNN trong thời kỳ mới, yêu cầu về hoạt động của NHNN với vai trò là Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước ngành ngân hàng, đồng thời là NHTW của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ chế tài chính NHNN đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập về vốn, quỹ, cơ chế khoán kinh phí; gây khó khăn trong việc quản lý, tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính trong hệ thống NHNN. Một số bất cập về chế độ tài chính cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong các cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính của NHNN hàng năm. Những bất cập này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, bộ máy nhằm xây dựng một ngân hàng trung ương hiện đại.
Đặc biệt, nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về tài chính, ngân sách, đầu tư công và chính sách tiền lương mới và Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế quản lý tài chính của NHNN cũng đặt ra các yêu cầu và thách thức mới, đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính căn bản. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” là cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao. Đề tài do nhóm nghiên cứu của ThS. Đỗ Thuý Minh tại Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính - Bộ Tài chính thực hiện trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 11/2020.
Đề tài đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với NHNN để NHNN hoàn thành nhiệm vụ của một Ngân hàng trung ương, đồng thời phát huy được vai trò của một Bộ ngành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.
Đề tài đã đạt được các mục tiêu đề ra. Theo đó, đề tài đã hệ thống hóa và làm rõ thêm lý luận cơ bản về quản lý tài chính, quản lý tài chính trong cơ quan nhà nước, cơ chế quản lý tài chính của bộ, cơ quan ngang bộ; mô hình quản lý tài chính, quy trình quản lý tài chính trong bộ, cơ quan ngang bộ. Đặc biệt, Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các mô hình NHTW và quản lý tài chính của một số NHTW trên thế giới, chỉ ra ưu, nhược điểm của từng mô hình và bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam.
Về thực tiễn, đề tài đã phân tích sâu thực trạng quản lý tài chính của NHNN hiện nay. Đặc biệt, đề tài tập trung phân tích sâu những ưu điểm, hạn chế trong thực hiện cơ chế quản lý tài chính NHNN. Bằng việc xác định những ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý tài chính của NHNN, Đề tài xác định các quan điểm, định hướng phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, có cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với NHNN, nâng cao năng lực vị thế của NHNN.
Để triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về tài chính, ngân sách và tiền lương, đồng thời tạo ra nguồn lực tài chính vững mạnh, hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu hoạt động hiện tại và định hướng phát triển dài hạn của NHNN, xây dựng NHNN trở thành một NHTW hiện đại, ngang tầm với các NHTW trong khu vực và trên thế giới, tài chính của NHNN cần phải có sự điều chỉnh về cơ chế hoạt động, cơ chế trích lập, sử dụng vốn, quỹ và cơ chế khoán kinh phí hoạt động. Đồng thời, NHNN cũng cần hoàn thiện, đổi mới hơn nữa phương thức tổ chức thực hiện chế độ tài chính trong toàn hệ thống NHNN, đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18674/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)