Giải pháp phát triển ngân hàng số tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 27/04/2022 12:01 Cỡ chữ
Sự phát triển ngày càng phổ biến của công nghệ đòi hỏi các ngành, các lĩnh vực phải thay đổi đáp ứng được nhu cầu này, trong đó, hoạt động của ngành tài chính ngân hàng đang đặt ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các sản phẩm ngân hàng ứng dụng công nghệ số có ý nghĩa khách quan và đây là một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu của ngành ngân hàng trong tương lai.
Theo thống kê của Công ty We are Social, thời điểm tháng 1/2016: Việt Nam có 47,3 triệu người dùng internet (chiếm 50% dân số), có 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (29 triệu sử dụng mobile) có 143 triệu điện thoại (chiếm 152% dân số). Người trưởng thành: 55% sử dụng smartphone, 46% có máy tính, 12% có máy tính bảng. Thời gian truy cập Internet hàng ngày: qua máy tính 4h39 phút, qua mobile phone 2h25 phút, truy cập mạng xã hội qua các thiết bị khác nhau 2h18 phút. Có 78% người sử dụng internet sử dụng hằng ngày.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015 tại Việt Nam tỷ lệ số đăng ký sử dụng Internet trên 100 dân là 48,3%, tỷ lệ số điện thoại trên 100 dân là 147%.
Đánh giá của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015 cho thấy Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 52% dân số dùng internet, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile, internet banking chiếm khoảng 44%.
Như vậy, có thể thấy, Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển ngân hàng số. Hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến tới ngân hàng số vừa là cơ hội vừa là thách thức, vừa là động lực cho ngành ngân hàng phát triển. Ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác với ngân hàng mới, khác với mô hình ngân hàng truyền thống từ phƣơng thức sản xuất sản phẩm, pháp lý, dịch vụ khách hàng… đòi hỏi các ngân hàng phải học hỏi kinh nghiệm và phát triển.
Đứng trước xu thế phát triển tất yếu này, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thay đổi nhận thức trong xây dựng chiến lược kinh doanh của mình, hướng đến lấy khách hàng làm trung tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, áp dụng công nghệ số đem đến cho khách hàng nhiều trải nghiệm và tiện ích hơn. Với yêu cầu cấp thiết này, nghiên cứu một cách toàn diện thực trạng phát triển ngân hàng số ở Việt Nam, để từ đó có cơ sở đưa ra những khuyến nghị, đề xuất đối với các NHTM và khuyến nghị về cơ chế, chính sách quản lý đối với các cơ quan quản lý là nhiệm vụ có ý nghĩa thực tiễn cao. Cơ quan chủ trì Viện chiến lược ngân hàng cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS Phan Ngọc Thắng thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển ngân hàng số tại Việt Nam” với mục tiêu: Nghiên cứu lý luận về ngân hàng số, khái quát bức tranh toàn cảnh quá trình chuyển đổi sang ngân hàng số ở các nƣớc trên thế giới, từ đó rút ra bài học, kiến nghị đề xuất đối với các NHTM và các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam.
Mặc dù đã xuất hiện trên thế giới từ năm 2010, tuy nhiên, ngân hàng số là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Hiện nay, tại Việt Nam, đã có một số ngân hàng triển khai dịch vụ ngân hàng số, như: VP Bank với dịch vụ ngân hàng số có tên gọi Timo Bank, ngân hàng VCB mới tiếp cận một phần nhỏ của ngân hàng số với tên gọi là Digital lab (không gian giao dịch công nghệ số), Tiên Phong bank với việc ứng dụng công nghệ ngân hàng số 4.0, VIB Bank với việc triển khai mô hình “chi nhánh trực tuyến” cho phép người dùng trải nghiệm không gian giao dịch của VIB ngay trên Facebook... Các NHTM tại Việt Nam đều đã triển khai các dịch vụ của ngân hàng điện tử - một giai đoạn phát triển thấp của ngân hàng số. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của CNTT và làn sóng số hóa phát triển mạnh mẽ nhƣ đã phân tích ở trên thì đây sẽ là mô hình kinh doanh chủ đạo của các NHTM tại Việt Nam trong tương lai.
Đến nay, hầu hết các NHTM ở Việt Nam đã triển khai các dịch vụ Internet banking và Mobile banking. Theo nghiên cứu của Viện CLNH, đã có khoảng 111 triệu thẻ ngân hàng được phát hành, 17.470 ATM, 263.430 POS/EFTPOS/EDC, hơn 3,8 triệu ví điện tử, các dịch vụ Internet banking và mobile banking được triển khai rộng rãi trong toàn hệ thống ngân hàng.
Đã có nhiều hội thảo/tọa đàm/diễn đàn khoa học lớn nhỏ diễn ra nhằm thảo luận về các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển ngân hàng số, những cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam được tổ chức chủ yếu ở Hà Nội và Tp.HCM. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này được công bố vẫn còn khá khiêm tốn. Có thể nói, chưa có một nghiên cứu nào có tính chất tổng hợp, khái quát về vấn đề này, đặc biệt đánh giá về mức độ phát triển ngân hàng số ở Việt Nam.
Biến đổi và thích ứng dường như là cụm từ phù hợp nhất đối với mọi quốc gia, mỗi lĩnh vực và ngành nghề để tiếp cận tới CMCN 4.0 và tận dụng tốt nhất những cơ hội mà nó đem lại. Quả thực, CMCN 4.0 mở ra những cơ hội lớn để các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lơn lao cho những người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đặc biệt, những ứng dụng công nghệ mới giúp NHTM có thể vượt qua được những rào cản hiện tại về năng lực, về chi phí…để tiếp cận tới những người tiêu dùng tài chính ít được phục vụ, cung ứng những sản phẩm dịch vụ đơn giản hơn, chất lượng tốt hơn, thuận tiện hơn với hiệu quả cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, và thông qua đó đóng góp vào một xã hội minh bạch hơn, văn minh hơn và giúp cải thiện kiến thức về tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp.
Những ứng dụng cụ thể của CMCN 4.0 đã hiện diện trên thế giới thì nay cũng đang dần xuất hiện tại Việt Nam, như Fintech, ngân hàng số, tiền kỹ thuật số/tiền điện tử/tiền ảo, ứng dụng điện toán đám mây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Ngoại trừ Fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán và tiền điện tử đã có khoảng thời gian phát triển tại Việt Nam từ nhiều năm qua, các ứng dụng còn lại mới xuất hiện ở dạng thử nghiệm. Tuy vậy, cũng có thể thấy rằng các ngân hàng Việt Nam cũng đang bắt đầu hướng đến áp dụng các nền tảng công nghệ mới vào hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, với quan điểm ưu tiên ba nền tảng công nghệ chính là: Bigdata, điện toán đám mây và sinh trắc học. Có sự khác biệt giữa quan điểm về ứng dụng công nghệ mới cho các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong nước và quốc tế. Trong khi các NHTM trong nước nhìn nhận việc đẩy mạnh ứng dụng CMCN 4.0 để nhằm tạo ra doanh thu và mở rộng thị phần cho ngân hàng trong tương lai, thì các chuyên gia quốc tế lại cho rằng công nghệ mới phải giải quyết được những vấn đề lớn mà ngành dịch vụ tài chính đang phải đối mặt, đó là an toàn, bảo mật, giảm chi phí.
Tuy nhiên, để thực sự biến đổi và thích ứng, rủi ro thách thức đối với các NHTM cũng không phải là nhỏ, xuất phát từ chiến lược chuyển đổi mô hình 114 hoạt động, rủi ro hệ thống gia tăng cùng những những rủi ro đặc trưng của các công nghệ mới, những khó khăn trong việc tuân thủ quy định, bảo vệ quyền riêng tư, khả năng quản lý các đối tác thuê ngoài, các vấn đề về an ninh mạng và an toàn, bảo mật thông tin khách hàng…
Ngoài việc các ngân hàng cần phải thay đổi thể nào và lựa chọn chiến lược nào để thay đổi các sản phẩm, dịch vụ của mình nhằm thích ứng thành công và hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thương cho mình dưới ảnh hưởng của những tác động của CMCN 4.0; chính sách quản lý của NHNN cũng cần thay đổi, điều chỉnh để hỗ trợ một cách có hiệu quả cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói chung và phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nói riêng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17250/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)