Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội cho nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng
Cập nhật vào: Thứ tư - 25/10/2023 11:42 Cỡ chữ
Ở tất cả các quốc gia trên thế giới, an sinh xã hội được coi là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, BHXH là một trụ cột quan trọng, là một công cụ đắc lực và hiệu quả giúp cho nhà nước điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường, gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ và phát triển xã hội bền vững. Mục tiêu thực hiện BHXH cho mọi NLĐ với việc mở rộng độ bao phủ và nâng cao hiệu quả của chính sách BHXH ở Việt Nam chính là phát huy đầy đủ vai trò trụ cột của BHXH, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội và an sinh cho mọi người dân. Nghị quyết số 28- NQ/TW về cải cách chính sách BHXH được Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII thông qua đã đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân với các chỉ tiêu phấn đấu đạt khoảng 35%, 45%, 60% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tương ứng với các năm 2021, 2025, 2030, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1%, 2,5%, 5% LLLĐ trong độ tuổi.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên thì việc đẩy mạnh công tác phát triển BHXH tự nguyện, trong đó có BHXH tự nguyện cho nông dân là một giải pháp hàng đầu. Chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực từ năm 2008, kết quả tăng trưởng đối tượng tham gia trong 10 năm đầu là khá chậm, đến năm 2018 đã có sự tăng trưởng cao hơn và tiếp đó là tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2019 với số người tham gia mới bằng 10 năm trước cộng lại, nhưng mới đạt 574 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Với đặc thù khu vực nông nghiệp, nông thôn rộng lớn, lao động là nông dân chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lao động, tại thời điểm quý I năm 2019 đạt 31.910.300 người, chiếm 65,33% tổng số người trong độ tuổi lao động của cả nước (Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm Quý 1 năm 2019, Tổng cục Thống kê) đã cho thấy vai trò quan trọng cũng như tiềm năng phát triển BHXH tự nguyện cho nông dân trong tổng thể phát triển chung về BHXH.
Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố là: Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và Quảng Ninh với dân số trên 22,5 triệu người (tương ứng 23,4% dân số cả nước), trong đó dân số khu vực nông thôn là 14,6 triệu người (tương ứng 65% dân số trong khu vực và 23,2% dân số khu vực nông thôn trên cả nước). Tính đến cuối năm 2019, Đồng bằng sông Hồng có 4.249.968 người đang tham gia BHXH (tương ứng 27,7% số người tham gia BHXH cả nước), trong đó 136.574 người tham gia BHXH tự nguyện (tương ứng 23,8% số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước và đạt 0,93% so với dân số khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng). Trong bối cảnh chung của cả nước, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong đó có nông dân của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng tham gia của người nông dân.
Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Dương Xuân Triệu, Viện Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội cho nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng” với mục tiêu nghiên cứu các giải pháp phát triển BHXH cho nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Với mục tiêu mở rộng hệ thống ASXH, bảo vệ người dân trước rủi ro trong cuộc sống, Luật BHXH năm 2006 đã bổ sung chính sách BHXH tự nguyện cho đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 với những điểm mới quan trọng như: bỏ quy định về trần của tuổi tham gia BHXH tự nguyện, tạo điều kiện cho những đối tượng đã hết tuổi lao động (nam từ đủ 60 tuổi trở lên và nữ từ đủ 55 tuổi trở lên) nhưng có nhu cầu và đủ điều kiện được tham gia BHXH tự nguyện; người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH; linh hoạt về phương thức đóng hoặc có thể chọn đóng một lần cho nhiều năm nhưng không quá 5 năm một lần; hoặc đóng một lần cho những năm còn thiều đối với người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng còn thiếu thời gian tham gia BHXH, tuy nhiên thời gian tối đa không quá 10 năm (120 tháng tham gia BHXH);...
Việc tham gia BHXH tự nguyện hoặc duy trì việc tham gia BHXH tự nguyện của người nông dân bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế, trong khi điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng khách quan bởi những chính sách như phát triển kinh tế, chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách việc làm, bảo trợ xã hội,... Những chính sách này sẽ góp phần cải thiện điều kiện kinh tế của người nông dân và của khu vực người nông dân sinh sống, đồng thời cũng góp phần thay đổi quan điểm, thay đổi yêu cầu (có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện) khi người nông dân có tích lũy hoặc tích lũy nhiều hơn trước đây. Điều kiện kinh tế là điều kiện tiên quyết và trực tiếp để người lao động có thể tham gia BHXH tự nguyện được hay không. Đã có những phân tích cho rằng yếu tố “tích lũy” (thu nhập – chi phí) đóng vai trò quyết định đến việc tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên thực tế cho thấy có nhiều trường hợp “tích lũy” không thay đổi (tăng thu nhập, đồng thời tăng chi phí) nhưng người dân vẫn sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện khi họ thực sự hiểu được tính ưu việt của chính sách này.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình với diện tích 21.259,6 km2, chiếm 6,4% diện tích cả nước, dân số 22,54 triệu người, chiếm 23,4% dân số cả nước. Bình quân khoảng 1.060 người trên 1 cây số vuông. Đây là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước. Dân cư đông nên có lợi thế: Có nguồn lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao. Đồng bằng sông Hồng là khu vực có đất đai trù phú, phù sa màu mỡ.
Cùng với xu hướng đô thị hóa, diện tích đất dành cho sán xuất nông nghiệp bị thu hẹp, tuy nhiên người lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm và với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân nói chung và nông dân Đồng bằng sông Hồng nói riêng. Bên cạnh việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thì nông dân cũng đã có những thay đổi trong việc đối mặt với rủi ro trong cuộc sống nhất là khi hết tuổi lao động. Thay vì sống dựa vào con cái, dựa vào tích lũy thì hiện nay người nông dân đã hướng đến nhu cầu được an toàn trước những rủi ro như có nguồn thu nhập ổn định khi hết tuổi lao động. Chính vì thế, kết quả khảo sát đã cho thấy người nông dân trong đó có nông dân vùng Đồng bằng sông Hồng có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH tự nguyện.
Trước nhu cầu và khả năng tham gia BHXH tự nguyện của người nông dân thì việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả cao với số đối tượng tham gia năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là năm 2019 đã có bước đột phá với số đối tượng tham gia mới bằng cả 10 năm trước cộng lại. Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn chính sách BHXH tự nguyện thì việc xây dựng, 49 hoạch định chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện như: số người ra khỏi hệ thống thông qua giải quyết chế độ BHXH một lần cao, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, số năm tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu dài, nhiều người chưa hiểu, chưa biết đến chính sách BHXH tự nguyện...
Nhằm khắc phục những hạn chế, phát triển BHXH cho nông dân nói chung và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp phát triển BHXH nói chung và các giải pháp phát triển BHXH tự nguyện cho nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh một số giải pháp về hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện đã được đề cập trong nghiên cứu của Bùi Sĩ Lợi (2020), nhóm nghiên cứu đã bổ sung một số giải pháp về tổ chức thực hiện như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, chú trọng đến hội nghị tuyên truyền, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình; Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho các địa phương và thực hiện việc giao chỉ tiêu này cho cán bộ BHXH; Phân công cán bộ chuyên quản, bám sát địa bàn; Xây dựng hệ thống “Điểm giao dịch BHXH, BHYT tự động”; Phát triển mạng lưới đại lý, cộng tác viên của các đại lý; Hỗ trợ các đại lý trong ứng dụng CNTT vào quản lý; Tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát các đại lý...
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18826/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)