Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội
Cập nhật vào: Thứ sáu - 23/12/2022 00:01 Cỡ chữ
Công tác đào tạo, bồi dưỡng giữ vai trò quan trọng giúp cơ quan, tổ chức phát triển. Đào tạo, bồi dưỡng nói chung tác động đến con người trong tổ chức, làm cho họ có thể làm việc tốt hơn, cho phép họ sử dụng tốt hơn các khả năng, tiềm năng vốn có, phát huy năng lực làm việc của bản thân. Trong cơ quan hành chính Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng giúp phát triển năng lực làm việc hiện tại của công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đảm bảo cho công chức, viên chức có khả năng thích ứng nhanh chóng với công việc mới do thuyên chuyển, điều động, bổ nhiệm, hay thay đổi vị trí việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch giúp cơ quan, đơn vị tạo nguồn cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tương lai.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành BHXH, cải cách hành chính từ nền hành chính quản lý truyền thống sang nền hành chính dịch vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả không thể tách rời công tác đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức.
Những năm gần đây, BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong Ngành, từng bước nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn dàn trải, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển Ngành.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Vụ Tổ chức cán bộ (BHXH Việt Ban) cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Lê Hùng Sơn thực hiện nghiên cứu “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội” với mục tiêu: Đưa ra những đề xuất về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành BHXH trong thời gian 5 năm (2020-2025) góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên những đột phá công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, Robot, Internet of things (IoT), in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử... trên nền tảng cách mạng số. Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có ngành BHXH đều chịu tác động mạnh mẽ và toàn diện của nó. Bối cảnh đó đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành BHXH phải có tầm nhìn chiến lược để chuẩn bị cho những thay đổi lớn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trên các phương diện như: Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng; phương thức đào tạo, bồi dưỡng; mô hình tổ chức hoạt động của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; vai trò và phương pháp giảng dạy của giảng viên; nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể:
Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, mục tiêu chính là tạo ra được những công chức lãnh đạo, viên chức quản lý có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Mọi sự thay đổi trong chương trình, tài liệu bồi dưỡng, giảng viên bồi dưỡng phải nhằm giúp người học có được những năng lực, kỹ năng mới như năng lực tổng kết thực tiễn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tư duy phân tích và tổng hợp, xử lý thông tin đa chiều…
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng, chuyển dần sang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Dự báo trong tương lai không xa, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thực tế ảo trong đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức sẽ là xu hướng nổi bật. Ví dụ, học viên sẽ được giáo viên hướng dẫn đeo kính thực tế ảo để trải nghiệm một tình huống cần đến kỹ năng xử lý xung đột hay kỹ năng tiếp dân, hay có thể nhập các thông tin quản lý thuộc lĩnh vực phụ trách vào hệ thống máy tính của đơn vị để thực hành phân tích thông tin, từ đó đề xuất giải pháp tham mưu. Từ sự thay đổi về phương thức đào tạo, bồi dưỡng, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng sẽ thay đổi cơ cấu bài giảng theo hướng giảm dần thời lượng những nội dung học có tính hàn lâm, lý thuyết, thay vào đó là những nội dung phát triển năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Những năm gần đây, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đã góp phần quan trọng giúp ngành BHXH tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao cho Ngành, bắt kịp những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội đất nước và tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tác động đến từng công chức, viên chức, cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp công chức, viên chức vận dụng tốt hơn các khả năng, tiềm năng vốn có, phát huy năng lực làm việc của bản thân. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch cán bộ giúp ngành BHXH tạo nguồn công chức, viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đủ năng lực giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tương lai.
Chính vì vậy, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức là một trong những yếu tố quyết định thành công trong công cuộc xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành BHXH” được nghiên cứu với mục đích đưa ra những đề xuất về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành BHXH trong thời gian 05 năm tới (2020 - 2025), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17882/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)