Đổi mới công nghệ sản xuất vắc xin vi rút thú y đạt tiêu chuẩn GMP-WHO bằng công nghệ tế bào (Micro carrier) và phôi trứng
Cập nhật vào: Thứ năm - 02/03/2023 00:03 Cỡ chữ
Theo thống kê năm 2015 của Trung tâm chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP), hiện tại Việt Nam có khoảng 530 loại vắc xin sử dụng trong chăn nuôi với khoảng 51 đơn vị sản xuất và nhập khẩu. Có đến 80% loại vắc xin được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia. Đứng đầu là Hà Lan với hơn 80 loại vắc xin, tiếp theo là Mỹ và Pháp. Theo ông Nguyễn Văn Giáp, giám đốc SCAP, doanh thu từ việc sản xuất vắc xin trong nước hiện nay chỉ chiếm 5 - 10% tổng doanh thu vắc xin trên thị trường, 90-95% còn lại với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng đã rơi vào tay nước ngoài. Đây cũng là hệ quả của việc chúng ta không đầu tư nghiên cứu lĩnh vực này và kết quả là không chủ động được các loại vắc xin thú y để phòng chống bệnh cho vật nuôi, một yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho chăn nuôi phát triển bền vững.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả sử dụng vắc xin là chất lượng và tính kịp thời đáp ứng cho nhu cầu sử dụng khi có dịch bệnh. Vắc xin càng được vận chuyển nhanh chóng, ít qua các khâu trung gian thì chất lượng càng đảm bảo. Xuất phát từ lý do trên, TS. Nguyễn Hữu Vũ đã phối hợp với các cộng sự tại Công ty TNHH Dược Hanvet thực hiện đề tài: “Đổi mới công nghệ sản xuất vắc xin vi rút thú y đạt tiêu chuẩn GMP-WHO bằng công nghệ tế bào (Micro carrier) và phôi trứng” từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: thiết kế và tổng hợp được khoảng 50 dẫn chất acetohydrazid mới mang dị vòng hoặc hệ dị vòng hướng hoạt hóa enzym caspase và gây độc với tế bào ung thư; thử hoạt tính sinh học: thử tác dụng hoạt hóa caspase* và độc tính tế bào ung thư (in vitro) của các dẫn chất tổng hợp được; thử tác dụng chống ung thư in vivo của một số dẫn chất có độc tính tế bào in vitro mạnh; và thiết lập được mối liên quan cấu trúc, tác dụng hoạt hóa caspase của các dẫn chất tổng hợp được.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Xây dựng được dây chuyền sản xuất vắc xin vi rút trên tế bào và dây chuyền sản xuất vắc xin vi rút trên trứng đạt tiêu chuẩn GMP - WHO.
- Xây dựng khu kiểm nghiệm vắc xin đạt tiêu chuẩn GLP.
- Xây dựng hệ thống phòng nghiên cứu phát triển đồng bộ, hiện đại.
- Hoàn thiện được 2 công nghệ sản xuất vắc xin, ứng dụng vào sản xuất 6 sản phẩm vắc xin vi rút cho thú y: một là công nghệ sản xuất vắc xin nuôi cấy tế bào trên Micro carrier: áp dụng sản xuất thành công cho 3 vắc xin Tai xanh, Dịch tả lợn và Đậu gà; hai là ông nghệ sản xuất vắc xin trên phôi trứng sạch với thiết bị tự động: áp dụng sản xuất thành công cho 3 loại vắc xin Dịch tả vịt, Newcastle hệ I, Lasota.
- 6 loại vắc xin được sản xuất trên hai dây chuyền công nghệ này sản xuất ra đều đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia.
Tất cả các sản phẩm của Nhiệm vụ đều đạt và vượt tiêu chuẩn đề ra: Sản phẩm dạng I (dây chuyền công nghệ, giống, sản phẩm...): 16 loại sản phẩm; sản phẩm dạng II (quy trình, tiêu chuẩn, hồ sơ...): 85 quy trình, tiêu chuẩn; và sản phẩm dạng III (quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, đào tạo thạc sĩ, bài báo khoa học...): 10 đơn vị sản phẩm các loại.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18138/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)