Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 18/12/2023 03:23
Cỡ chữ
Nguồn lợi hải sản biển Việt Nam có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nhìn chung, công tác điều tra nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam đã được tiến hành từ rất sớm và đã có khá nhiều chương trình nghiên cứu đã được thực hiện và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các kết quả điều tra đã phục vụ khá kịp thời và hiệu quả cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành thủy sản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan nên các chương trình điều tra, nghiên cứu này còn có một số vấn đề tồn tại chưa được giải quyết thoả đáng.
Vì thế, từ năm 2011 đến 2015, ThS. Nguyễn Viết Nghĩa và nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hải sản đã thực hiện đề tài: “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam”. Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu đánh giá được tổng thể hiện trạng, biến động nguồn lợi hải sản và nghề cá ở biển Việt Nam một cách hệ thống làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý và dự báo ngư trường khai thác góp phần phát triển bền vững nguồn lợi và nghề cá.
Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu đã xác định được tổng số 476 loài thực vật phù du bắt gặp ở biển Việt Nam, thuộc 6 ngành tảo: tảo Silic (Bacillariophyta) có 242 loài, chiếm 50,8%; tảo Giáp (Pyrrophyta) có 226 loài, chiếm 47,6%; tảo Lam (Cyanobacteria) có 4 loài, chiếm 0,8%; tảo Kim (Heterokontophyta) có 2 loài, chiếm 0,4%; tảo Lục (Chlorophyta) có 1 loài, chiếm 0,2%; tảo Mắt (Euglenophyta) chỉ có 1 loài, chiếm 0,2%. Kết quả nghiên cứu cho thấy cấu trúc quần xã thực vật phù du ở biển Việt Nam có sự chênh lệch lớn giữa các ngành tảo, trong đó ngành tảo Silic và ngành tảo Giáp chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với các ngành tảo khác.
Biển Việt Nam là khu vực có đa dạng sinh học cao, thành phần loài hải sản phong phú. Kết quả điều tra nguồn lợi trong giai đoạn 2011-2015 với 941 loài hải sản, thuộc 462 giống thuộc 191 họ hải sản (trong đó, vùng biển Đông Nam Bộ: 619 loài; vùng biển Trung Bộ: 457 loài, vùng biển vịnh Bắc Bộ: 430 loài và vùng Giữa Biển Đông: 129 loài).
Tổng trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu ở biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, thấp hơn (12,9%) so với giai đoạn 2000-2005. Trữ lượng nguồn lợi nhóm cá nổi nhỏ 2,65 triệu tấn (60,7%); nhóm hải sản tầng đáy 643 ngàn tấn (14,7%); nhóm giáp xác 38,1 ngàn tấn (0,9%); nhóm cá rạn san hô 2,6 ngàn tấn (0,1%); nhóm cá nổi lớn 1.031 ngàn tấn, (23,6%). Trữ lượng trung bình nguồn lợi ở vịnh Bắc Bộ ước tính khoảng 757 ngàn tấn (17,3%); Trung Bộ là 868 ngàn tấn (19,9%); Đông Nam Bộ là 1.119 ngàn tấn (25,6%); Tây Nam Bộ là 584 ngàn tấn (13,4%) và Giữa Biển Đông là 1.036 ngàn tấn (23,7%).
Tổng sản lượng khai thác của nghề cá biển Việt Nam (từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015) ước tính khoảng 3,72 triệu tấn, với 3,1 triệu tấn khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và 0,62 triệu tấn khai thác ở vùng biển quốc tế. Sản lượng khai thác ở vịnh Bắc Bộ khoảng 652 ngàn tấn (17%); Trung Bộ khoảng 1,45 triệu tấn (39%); Đông Nam Bộ 924 ngàn tấn (25%); Tây Nam Bộ khoảng 699 ngàn tấn (19%).
Hệ số khai thác ở một số loài chủ yếu ở các vùng biển khá lớn, phản ánh tình trạng khai thác quá mức đối với các quần đàn ở các vùng biển. Các loài đang bị khai thác quá mức ở các vùng biển: vịnh Bắc Bộ (cá bạc má, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch); Trung Bộ (mực ống Trung Hoa, mực ống Ấn Độ, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá nục sồ); Đông Nam Bộ (cá ngừ ồ, cá bạc má, cá nục sồ, cá mối thường); Tây Nam Bộ (cá mối ngắn).
Bộ mẫu vật các loài sinh vật biển, bộ số liệu điều tra về nguồn lợi, nghề cá biển, sinh vật phù du, hải dương học có giá trị khoa học rất lớn, phục vụ cho các nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực có liên quan.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19206/2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)