Điều chế chất lỏng ion đặc nhiệm (TSILs) làm xúc tác cho phản ứng tạo nối C-C, C-N và làm chất điện giải cho pin mặt trời chất màu nhạy quang (DSC)
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/06/2020 21:46 Cỡ chữ
Từ năm 2017 đến 2019, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên do TS. Trần Hoàng Phương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Điều chế chất lỏng ion đặc nhiệm (TSILs) làm xúc tác cho phản ứng tạo nối C-C, C-N và làm chất điện giải cho pin mặt trời chất màu nhạy quang (DSC)”.
Đề tài nhằm mục tiêu tổng hợp các chất lỏng ion đặc nhiệm TSILs với độ tinh khiết cao chứa các nhóm định chức acid Brønsted hoặc Lewis; ứng dụng các TSILs làm các xúc tác xanh cho phản ứng tạo nối C-C, C-N trong tổng hợp hữu cơ; và ứng dụng các TSILs làm chất điện giải trong pin DSC.
Kết quả nghiên cứu đã tổng hợp thành công các chất lỏng ion đặc nhiệm (TSILs) với các bộ phổ đồ xác định cấu trúc chính xác với độ tin cậy cao. Các TSIL có độ tinh khiết và tính chất phù hợp tùy vào định hướng cho các mục đích sử dụng.
Đề tài đã ứng dụng các TSIL vào làm xúc tác cho các phản ứng tạo nối C-C như: Phản ứng acyl hóa Friedel–Crafts các hợp chất hương phương và indole, phản ứng aryl hóa các dẫn xuất benzoxazole sử dụng aldehyde làm tác chất, phản ứng tổng hợp các bisindolyl bằng phản ứng alkyl hóa các dẫn xuất indole với tác chất là các aldehyde; các phản ứng tạo nối C-N như: TSILs xúc tác cho phản ứng Biginelli, TSILs xúc tác cho phản ứng Paal-Knorr, phản ứng đa thành phần thu được kết quả khả quan. Phần nghiên cứu này công bố được 04 bài báo ISI (3 bài Q1 trên tạp chí RSC Advances - IF=2.9, Asian Journal of Organic Chemistry - IF= 2.4 và 1 bài Q2 trên tạp chí New Journal of Chemistry - IF=3.2) với hệ số ảnh hưởng IF cao và công bố được 02 bài báo trên tạp chí trong nước (Tạp chí Hóa học của Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Vam), tham gia Hội nghị Hóa hữu cơ toàn quốc lần 8 tại Cần Thơ.
Đề tài đã ứng dụng TSIL làm chất điện giải trong pin mặt trời nhạy quang và khảo sát hiệu năng chuyển hóa cũng như độ bền của pin mặt trời. Kết quả cho thấy pin hoạt động tốt, hiệu năng chuyển hóa cao, độ bền cao. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Molecular Liquid (ISI, nhóm Q1, IF = 4.5)
Các nghiên cứu khoa học trên TSIL có tính mới cao do mới được nghiên cứu bởi cộng đồng khoa học, có giá trị trong học thuật và nhiều khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản ứng do các giá trị ưu việt của TSIL như dễ dàng điều chế, thu hồi và tái sử dụng hiệu quả, dễ dàng thiết kế TSIL theo các mục đích sử dụng chuyên biệt, bền trong điều kiện khắc nghiệt, không bị phân hủy trong nước và không khí.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15671 tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)