Đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp, đề xuất mô hình sử dụng đất với cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường vùng lưu vực sông Đà thuộc ba tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên
Cập nhật vào: Thứ năm - 13/05/2021 00:34 Cỡ chữ
Vùng lưu vực sông Đà đoạn qua 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La dài hơn 140 km, diện tích lưu vực khoảng 23.899 km2 trong đó đoạn đi qua Lai Châu có diện tích 9.061 km2, đoạn đi qua Điện Biên có diện tích 5.833 km2, đoạn đi qua Sơn La có diện tích 9.006 km2. Đây là địa bàn sinh sống của trên 2 triệu người thuộc hơn 20 dân tộc anh em, trong đó khoảng 80% là đồng bào các dân tộc thiểu số (Tổng cục Thống kê, 2015). Nơi đây mang đầy đủ những nét đặc trưng của miền núi Bắc Bộ: phần lớn diện tích có độ dốc lớn, địa hình hiểm trở và chia cắt, khí hậu của vùng có lượng mưa lớn lại tập trung vào những tháng nhất định, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu như đốt nương làm rẫy, phá rừng trồng những cây có độ che phủ thấp như ngô, lúa nương, nền kinh tế còn nghèo nàn, đời sống thấp, hệ sinh thái nông nghiệp mong manh... đã làm cho quá trình tổn thương trượt lở, xói mòn và rửa trôi diễn ra mạnh làm mất đất canh tác, giảm độ dày tầng canh tác và thoái hoái hóa độ phì nhiêu của đất.
Như vậy, trong quá trình khai thác, sử dụng của người dân sẽ không tránh khỏi tình trạng sử dụng đất không hợp lý nên hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu do PGS.TSKH. Nguyễn Xuân Hải, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Đánh giá tài nguyên đất nông nghiệp, đề xuất mô hình sửa dụng đất với cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế và bền vững về môi trường vùng lưu vực sông Đà thuộc ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La” nhằm mục đích đánh giá được chất lượng đất, các tổn thương tài nguyên đất nông nghiệp vùng lưu vực Sông Đà thuộc 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La làm cơ sở đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp tăng hiệu quả, tạo sinh kế bền vững, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai và ổn định cư dân của vùng.
Sau 27 tháng (từ tháng 12/2015 đến tháng 2/2018) thực hiện, nhóm đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Các báo cáo, bản đồ:
- Bộ số liệu phân tích và thông tin thuộc tính các mẫu thổ nhưỡng và nông hóa thuộc vùng lưu vực sông Đà qua 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La
- Các bản đồ cấp tỉnh và cấp vùng
- Báo cáo đánh giá các nguyên nhân, quá trình và xu hướng thoái hóa và tổn thương do tai biến thiên nhiên và hoạt động nhân sinh đến tài nguyên đất nông nghiệp và khả năng thích ứng với các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.
- Giải pháp khoa học quản lý tổng hợp và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nông nghiệp thích ứng với các tai biến thiên nhiên và phù hợp với các nhu cầu nhân sinh khác.
- 03 loại mô hình sản xuất nông lâm nghiệp được thử nghiệm trên các vùng đất khác nhau thuộc 03 tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao hơn 10-20% so với phương thức canh tác hiện tại
- Bộ cơ sở dữ liệu dạng số không gian và phi không gian các bản đồ và báo cáo toàn đề tài…
2. Khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao
(1) Mô hình sinh kế bền vững cho hộ gia đình quy mô 1,0 ha với cây trồng ngắn ngày: Ngô
- Sử dụng kỹ thuật canh tác theo đường đồng mức, làm đất tối thiểu theo công thức:
Ngô + đậu, bón 100% ngô + 100% đậu (hàng ngô/hàng đậu; khoảng cách trồng ngô 0,7 x 0,4 m; đậu 0,5 x 0,25 m). Kết quả xây dựng 01 mô hình tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho thấy, mô hình không những giảm xói mòn đất giảm trên 40% so với phương thức truyền thống, hiệu quả kinh tế đạt 25 triệu đồng/ha, tăng gần 9 triệu so với phương pháp truyền thống.
- Chuyển giao kỹ thuật canh tác thông qua phối hợp với UBND xã Cò Nòi và hộ gia đình xây dựng 01 mô hình. Tổ chức tập huấn chuyên giao cho 30 người dân xã Cò Nòi.
(2) Mô hình sản xuất cây công nghiệp lâu năm quy mô 1,5 ha theo hướng liên kết giữa người dân trồng sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm (cây chè)
- Sử dụng rơm rạ kết hợp với bón phân cân đối cho cây chè đã phát triển 3-4 năm theo công thức: chè che tủ hữu cơ + bón phân cân đối (che tủ 20 tấn hữu cơ + 120 kg N + 60 kg P2O5 + 80 kg K2O) cho 1 ha. Xây dựng 01 mô hình tại xã Bản Bo – H. Tam Đường, Lai Châu, kết quả cho thấy áp dụng kỹ thuật đã làm giảm xói mòn đất trên 40%, cải tạo độ ẩm, độ xốp đất, làm tăng số lần hái chè lên 1-2 lần/năm và hiệu quả kinh tế tăng hơn 9 triệu đồng so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, do sản xuất theo hướng bón phân cân đối sản phẩm chè của mô hình được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
- Chuyển giao kỹ thuật che phủ đất và bón phân cân đối cho cây chè thông qua phối hợp với UBND xã Bản Bo và hộ gia đình xây dựng 01 mô hình quy mô 1,5 ha. Tổ chức hội nghị đầu bờ tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 30 hộ gia đình tại xã Bản Bo.
(3) Mô hình nông lâm kết hợp nhằm hạn chế xói mòn, tăng hiệu quả sử dụng đất thoái hóa mạnh quy mô 5 ha:
- Sử dụng kỹ thuật canh tác tạo tiểu bậc thang cho cây cà phê, phần trên giữ chỏm rừng theo công thức bố trí: MT: Rừng + cà phê + xoài + băng cỏ và cây họ đậu tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Kết quả xây dựng 01 mô hình theo kỹ thuật canh tác trên đã giảm xói mòn đất trên 50% so với canh tác truyền thống, gia tăng sản phẩm (đậu đỗ, cỏ cho bò ăn và quả xoài). Hiệu quả của mô hình đạt 95 triệu đồng/ha, so với phương thức truyền thống chỉ đạt 77 triệu đồng/ha.
- Chuyển giao kỹ thuật canh tác Nông lâm kết hợp (Rừng kết hợp trồng cà phê xen cây ăn quả (xoài) trên đất dốc 6 STT Tên sản phẩm Mô tả tóm tắt về sản phẩm Phương thức chuyển giao sử dụng băng cỏ, băng cây họ đậu để giảm xói mòn đất thông qua phối hợp với UBND xã Mường Bon và hộ dân tại địa phương để xây dựng. Tổ chức tập huấn đầu bờ chuyển giao kỹ thuật cho 30 hộ nông dân tại địa phương.
(4) Bộ Cơ sở dữ liệu của đề tài
- Cơ sở dữ liệu tiềm năng đất đai; mức độ thoái hóa đất và đề xuất sử dụng đất bền vững cho 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Kết quả xây dựng 03 mô hình của đề tài.
- Lưu trữ dạng báo cáo và đĩa CD để chuyển giao cho UBND, Sở ban ngành liên quan 3 tỉnh vùng nghiên cứu.
Như vậy, Đề tài góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm. Đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm phục vụ an ninh lương thực và thức ăn chăn nuôi. Ổn định dân cư sống ở vùng miền núi, đặc biệt bộ phận dân cư tái định cư của hoạt động xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu, góp phần phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Kết quả của đề tài cung cấp tài liệu đánh giá tiềm năng tài nguyên đất nông nghiệp và các quá trình thoái hóa đất (phân tích nguyên nhân, mức độ) từ đó xây dựng cơ sở khoa học đề xuất sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp của vùng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15720/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)