Đánh giá tác động của thuế môi trường, thuế xăng dầu đến tiêu dùng hộ gia đình ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 07/04/2022 01:02 Cỡ chữ
Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế xăng dầu là một trong những loại thuế mà Chính phủ sử dụng để ngăn chặn, giảm thiểu những tác hại thông qua việc sử dụng các loại nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa dịch vụ phục vụ sản xuất có ảnh hưởng tới môi trường chung của toàn xã hội. Theo Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13, có hiệu lực ngày 01/5/2015, mức thu Thuế Bảo vệ môi trường áp dụng cho một số mặt hàng bao gồm xăng (trừ etanol), nhiên liệu bay, dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn năm 2015 đã tăng 200% so với mức thuế áp dụng của năm 2012.
Đề tài “Đánh giá tác động của Thuế Bảo vệ môi trường, thuế xăng dầu đến tỷ trọng tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nghiêm Thị Vân thực hiện với mục tiêu để đo lường tác động của Thuế Bảo vệ môi trường, thuế xăng dầu đến tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể: Đo lường định lượng tác động của Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế xăng dầu tới: (1) chỉ số giá cả tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; (2) tỷ trọng tiêu dùng các nhóm hàng hóa/dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam; (3) tỷ trọng tiêu dùng các nhóm hàng hóa/dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam phân theo nhóm thu nhập;(4) tỷ trọng tiêu dùng các nhóm hàng hóa/dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam phân theo các đặc điểm của hộ (bao gồm phân theo giới tính, tuổi của chủ hộ, quy mô hộ); (5) tỷ trọng tiêu dùng các nhóm hàng hóa/dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam phân theo khu vực thành thị, nông thôn và phân theo 6 vùng kinh tế.
Thuế Bảo vệ môi trường được xây dựng trên nguyên tắc chủ thể nào sản xuất kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường thì phải nộp thuế, đây là một loại thuế gián thu, được tính vào giá thành của hàng hoá, dịch vụ nên có tác dụng kích thích và điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người hoặc có thể dẫn tới việc ra đời của các công nghệ, chu trình sản xuất và sản phẩm mới giảm thiểu tác hại tới môi trường. So với sản xuất, tiêu dùng có xu hướng nhạy cảm hơn với sự điều chỉnh về hành vi tiêu dùng khi giá thay đổi do tăng thuế. Hơn nữa, các nhóm tiêu dùng có đặc điểm khác nhau sẽ điều chỉnh hành vi rất khác nhau. Việc đánh giá tác động thay đổi Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế Xăng dầu đến tiêu dùng hộ gia đình khó đo lường hơn so với đo lường tác động tới sản xuất. Ngoài ra, việc đánh giá tác động tới tiêu dùng hộ gia đình còn giúp nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng thể về tác động đối với toàn xã hội.
Đề tài được cho là sẽ có đóng góp nhất định đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học thống kê nói riêng. Một mặt, nghiên cứu này vừa giúp kiểm định lý thuyết, mô hình kinh tế lượng được xây dựng ở các nước tiên tiến trên thế giới cho trường hợp của Việt Nam. Nghiên cứu cũng giúp cho việc khẳng định chất lượng thông tin thống kê thông qua các cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê, đặc biệt khi kết nối các cuộc điều tra với nhau. Để từ đó có thể đưa ra những đánh giá, nhận định và rút ra bài học kinh nghiệm không chỉ trong lĩnh vực khoa học thống kê mà còn cả trong thực tiễn nghiên cứu kinh tế.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên số liệu từ Bảng I/O (bảng cân đối liên ngành) và kết quả Điều tra mức sống hộ gia đình. Đây là hai nguồn thông tin tin cậy, đảm bảo tính đại diện ở phạm vi cả nước nên có sử dụng để đánh giá, phân tích tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng Hệ thống hàm cầu lý tưởng được sử dụng phổ biến trên thế giới và cho kết quả đánh giá, phân tích tốt. Phương pháp ước lượng này đã được một số nghiên cứu khác của một số tác giả trên thế giới ước lượng cho trường hợp của Việt Nam về một số chủ đề liên quan tới tiêu dùng của hộ gia đình.
Bảng I/O là công cụ mô tả toàn diện bức tranh bức tranh kinh tế của một quốc gia từ công nghệ sản xuất được áp dụng để tạo ra sản phẩm (biểu thị bởi các hệ số chi phí sản xuất) đến sử dụng kết quả sản xuất do nền kinh tế trong nước tạo ra và nhập khẩu (phản ánh qua cơ cấu tích lũy, tiêu dùng và xuất khẩu) và thu nhập được tạo ra từ sản xuất (cơ cấu thu của người lao động; khấu hao tài sản cố định; thuế sản xuất và thặng dư sản xuất). Ngoài ra, Bảng I/O còn là công cụdùng để phân tích và dự báo rất hữu hiệu giúp cho các nhà quản lý và điều hành kinh tế đưa ra những quyết định, những giải pháp kinh tế - xã hội có lợi cho quá trình phát triển của đất nước.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Khi tăng thuế sẽ làm tăng giá tiêu dùng. Cụ thể, khi thuế bảo vệ môi trường tăng 200% làm chỉ số giá tiêu dùng các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng: chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) tăng 1,03%.
- Hộ ở khu vực thành thị chịu tác động thay đổi về tỷ trọng lớn hơn so với hộ ở khu vực nông thôn ở các nhóm: may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, y tế, giáo dục, hàng hóa, dịch vụ khác; chịu tác động thay đổi cơ cấu nhỏ hơn ở nhóm: lương thực, thực phẩm, thiết bị và đồ dùng gia đình, giáo dục.
- Hộ có chủ là nam chịu tác động thay đổi về tỷ trọng lớn hơn so với hộ có chủ là nữ ở các nhóm: lương thực, thực phẩm, may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng gia đình, y tế, giáo dục; chịu tác động thay đổi cơ cấu nhỏ hơn ở nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
- Hộ gia đình có chủ hộ từ 40 tuổi trở lên chịu tác động thay đổi về tỷ trọng lớn hơn so với hộ có chủ hộ dưới 40 tuổi ở các nhóm: lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục, hàng hóa và dịch vụ khác; chịu tác động nhỏ hơn ở các nhóm: may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị và đồ dùng lâu bền.
- Hộ có từ 3 thành viên trở lên chịu tác động thay đổi về tỷ trọng lớn hơn so với hộ có từ 2 thành viên trở xuống ở các nhóm: lương thực, thực phẩm, may mặc, mũ nón, giày dép, thiết bị và đồ dùng gia đình, y tế, hàng hóa và dịch vụ khác; chịu tác động nhỏ hơn ở các nhóm: nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục.
- Hộ ở Đồng bằng sông Hồng chịu tác động thay đổi về tỷ trọng lớn nhất so với các Vùng khác ở nhóm lương thực, thực phẩm; Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc chịu tác động lớn nhất ở nhóm thiết bị và đồ dùng lâu bền; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng; Vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động lớn nhất ở nhóm giáo dục và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác; Vùng Đông Nam Bộ chịu tác động lớn nhất ở nhóm y tế.
Từ những nhận định trên, có thể đánh giá Đề tài đã thực hiện đúng theo những nội dung đã trình bày trong Thuyết minh. Nhận định về kết quả nghiên cứu, Đề tài đã đưa ra những kết luận có giá trị. Đặc biệt, đóng góp của Đề tài là đã kết hợp sử dụng thông tin từ Bảng IO làm nguồn thông tin cho mô hình định lượng Hàm cầu lý tưởng 22 bậc 2; ngoài ra Đề tài đã xây dựng được quy trình đánh giá tác động của Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế Xăng dầu đến tiêu dùng hộ gia đình. Đây là những đóng góp bổ sung cho khoảng trống nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam về lĩnh vực này.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17144/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)