Đánh giá dư lượng Tributyltin trong trầm tích ở các cảng trên sông Sài Gòn và tác động của chúng lên đa dạng sinh học quần xã tuyến trùng
Cập nhật vào: Thứ sáu - 28/08/2020 11:07 Cỡ chữ
Tributyltin (TBT) và các dẫn xuất của chúng được coi là hóa chất độc hại, tác động tiêu cực đến con người và môi trường (Rotterdam Convention, 2009). TBT không những liên quan đến bệnh béo phì vì gây ra gen tăng trưởng của các tế bào mỡ (Murata et al., 2008) mà còn khả năng gây rối loạn sinh sản, hệ nội tiết trên người (Ikado, 1998). Hợp chất này được nhận định độc gấp 100 đến 1000 lần so với 1 số kim loại nặng như đồng, kẽm (Lehinan et al., 1990). TBT rất độc đối với động vật thân mềm, trong trường hợp ấu trùng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nồng độ hiệu quả (EC50) của TBT là thấp hơn so với bất kỳ hợp chất độc hại khác đưa vào môi trường biển 1000 lần. TBT cũng gây ra rối loạn giới tính trong ốc và đặc biệt chúng làm giảm khả năng bám của các loài thủy sinh vật trong các phương tiện giao thông đường thủy.
Hơn nữa, kết quả nghiên cứu của một số tác giả như Midorikawa et al. (2004), Takaomi et al. (2008) cho thấy vùng ven biển Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu nhiễm TBT (dao động trong khoảng 0,5-47 ng/g trong trầm tích, 0,4-56 ng/g tích lũy trong thịt nghêu). Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của Đặng Đức Nhận et al. (2005) cho thấy khu vực nhà máy đóng tàu Ba Son trên sông Sài Gòn đã bị nhiễm TBT. Các nghiên cứu này cũng đã đề cập tới vấn đề sử dụng TBT ở Việt Nam trong thời gian qua tuy nhiên chỉ mới khảo sát tổng thể sơ bộ, chủ yếu ở các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển. Trong khi đó, hiện tượng TBT duy trì lâu bền trong trầm tích đáy ở các khu vực cảng trên Sông Sài Gòn do quá trình sử dụng nhiều các loại sơn chống hôi, sơn chống sinh vật bám vỏ tàu biển, các thiết bị hàng hải, cầu cảng, các chất bảo quản gỗ, phụ phẩm… đặc biệt gây ô nhiễm môi trường, gây chết hoặc để lại di chứng không thể phục hồi cho các loài thủy sinh vật, thủy hải sản. Hợp chất TBT không những gây ô nhiễm nguy hại mà còn liên tục tích lũy qua các mắt xích trong mạng lưới thức ăn tự nhiên. Sông Sài Gòn là nguồn cấp 4 nước và thủy sản nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhân dân thành phố.
Tuy vậy, ở Việt Nam các nghiên cứu về TBT trong môi trường còn ở mức độ rất sơ sài. Đa phần là các tài liệu về phơi nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết (EDCs) trong hồ ao, sông suối, nước biển ảnh hưởng tới bệnh học (Trần Tân Văn, 2008) hoặc trong sinh vật đáy như động vật thân mềm của Đặng Đức Nhận và đồng tác giả (2005). Các nghiên cứu này đề cập tới các tính chất độc hại của EDCs nhưng không đi sâu vào hợp chất TBT trong mối tương tác với tuyến trùng.
Do vậy, đề tài “Đánh giá dư lượng Tributyltin trong trầm tích ở các cảng trên sông Sài Gòn và tác động của chúng lên đa dạng sinh học quần xã tuyến trùng” do TS. Ngô Xuân Quảng hiện đang công tác tại Viện Sinh học Nhiệt đới và các đồng nghiệp thực hiện đã góp phần tìm hiểu sâu hơn về vai trò của tributyltin trong trầm tích và trong mối quan hệ với quần xã tuyến trùng sống tự do trên sông Sài Gòn.
Mục tiêu chung của dự án là nhằm: Đánh giá dư lượng của Tributyltin trong trầm tích ở các cảng trên sông Sài Gòn và tác động của chúng lên tính đa dạng sinh học quần xã tuyến trùng sống tự do trong trầm tích.
Kết quả sau một thời gian thực hiện nghiên cứu cho thấy:
- Dư lượng của Tributyltin trong trầm tích ở các cảng trên sông Sài Gòn ở mức thấp, nằm trong mức ô nhiễm nhẹ so với cách phân loại ô nhiễm của các nhà khoa học quốc tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình lắng đọng TBT và các biến thể của chúng trong trầm tích không chỉ ở các khu vực cảng mà còn ở các khu vực khác trên thượng nguồn sông Sài Gòn. Nguồn phát thải TBT có thể không chỉ từ hoạt động hằng hải mà còn là quá trình hoạt động dân sinh và sản xuất công nghiệp.
- Quần xã tuyến trùng sống tự do trong nền đáy vùng dưới triểu tại các hệ thống cảng trên sông Sài Gòn có sự biến động khá nhiều trong cả 4 đợt khảo sát trong 2 năm 2014- 2015. Yếu tố mùa không chi phối nhiều tới cấu trúc quần xã. Tính đa dạng trong quần xã ở mức trung bình nhưng mật độ phân bố của các cá thể tương đối thấp. Trong quần xã, ấu trùng chiếm tỉ lệ lớn ưu thế so với con trưởng thành trong khi cá thể cái luôn chiếm tỉ lệ cao hơn các cá thể đực. Đặc tính của các cá thể tuyến trùng ở đây đa phần là thuôn dài (slender) nhưng trong mùa khô thì số tỉ lệ các cá thể có thân hình ngắn, mập nhiều hơn kiểu dáng mãnh dài trong mùa mưa.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15143/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.K.L (NASATI)