Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới
Cập nhật vào: Thứ năm - 11/05/2023 00:01 Cỡ chữ
Dân tộc thiểu số ở Việt Nam bao gồm 53 dân tộc với dân số 14,7 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Phần lớn người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng dân tộc thiểu số, xuất phát điểm kinh tế xã hội thấp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, tập trung nhiều hộ nghèo nhất cả nước.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Chính sách đã tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện; giảm tỷ lệ hộ nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, mức độ đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản thấp dẫn đến chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số không cao. Xuất phát từ những lý do trên, PGS. TS. Đỗ Thị Hải Hà cùng các cộng sự tại Trường Đại học kinh tế Quốc dân đã thực hiện đề tài: “Đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ Đổi mới" trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: đánh giá thực trạng đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam (tập trung vào đối tượng là người dân tộc thiểu số thời kỳ Đổi mới đến nay) cho 5 nhóm dịch vụ; đánh giá tác động của đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản đến chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số; hệ thống hoá và đánh giá thực trạng và quá trình thực hiện các chính sách về đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số từ năm 1986 đến nay; và xác định nhu cầu đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số đến năm 2025.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
Năm nhóm dịch vụ về giáo dục cơ bản, y tế cơ bản, nhà ở cơ bản, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cơ bản, thông tin cơ bản đã được xác định, tạo khuôn khổ hành động nhằm đảm bảo người dân tộc thiểu số được tiếp cận đầy đủ, phù hợp với nhu cầu thực tế của từng dân tộc, hộ gia đình và cá nhân. Từ giác độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy Nhà nước giữ vai trò chủ yếu và không thể thay thế trong đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân tộc thiểu số song hành cùng xu hướng xã hội hóa trong cung ứng nhằm tối đa hóa các nguồn lực sẵn có của quốc gia.
Mặc dù cư trú tại vùng dân tộc thiểu số với điều kiện về phân bố dân cư, mức sống, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội không thuận lợi, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ Đổi mới đến nay vẫn đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều chính sách đảm bảo dịch vụ xã hội cơ bản nói chung và đặc thù cho người dân tộc thiểu số. Đây là động lực chính đem lại những thay đổi trong tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, hệ thống cung ứng giáo dục, y tế, thông tin và cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp cũng hỗ trợ người dân trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Sự chênh lệch về mức độ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản là đáng kể giữa các dân tộc, giữa các địa phương. Tỷ lệ mù chữ của người dân tộc thiểu số luôn cao hơn 10 điểm phần trăm so với cả nước. Có tới 50% người Mông ở Điện Biên và Lào Cai, người Khmer tại An Giang không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Các dân tộc La Hủ, Mảng, Cơ Lao, Si La, Rơ măm có tỷ lệ tử vong trẻ em rất cao. Hầu hết các hộ dân tộc Mông, Co, Raglai và Khmer sống trong nhà bán kiên cố và nhà tạm. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước máy trong sinh hoạt còn thấp, các chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường được triển khai ở nhiều địa phương, tuy nhiên mức độ tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, sử dụng hố xí hợp vệ sinh và dịch vụ thu gom xử lý rác thải tập trung còn khá hạn chế đối với nhiều dân tộc thiểu số, đặc biệt so với người Kinh. Việc tiếp cận với máy tính và internet đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Người Mông tại Lào Cai và Điện Biên, người Co ở Quãng Ngãi, người Gia Rai tại Bình Thuận, người Xơ Đăng ở Kon Tum, người Ba Na tại Gia Lai có chưa đến 1% số hộ được kết nối internet.
Để khắc phục những hạn chế trên, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì với quan điểm “không ngừng nâng cao mức sống và điều kiện tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối, huy động nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ”. Mục tiêu đến năm 2030 được đề xuất với tham vọng nâng cao tỷ lệ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở tất cả các lĩnh vực. Do đó, Nhà nước cần có những quyết định chính sách phù hợp nhằm xác định rõ trình độ phát triển của các vùng dân tộc thiểu số từ đó phân bổ nguồn lực, thực thi các giải pháp hiệu quả nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về tiếp cận giữa các dân tộc thiểu số và địa phương, đạt được mục tiêu đã đề ra.
Kết quả của đề tài không chỉ góp phần đưa ra những luận giải mang tính khoa học giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho nhóm đối tượng này, mà còn đảm bảo điều kiện cần thiết để người dân vùng dân tộc thiểu số tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa tiến tới giảm nghèo bền vững, từ đó thực hiện được mục tiêu thiên niên kỷ đối với người dân tộc thiểu số.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18363/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)