Cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ tư - 10/05/2023 00:03 Cỡ chữ
Việt Nam có 3.260 km đường bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam, chủ quyền bao quát hơn 1.000.000 km2 trên vùng biển Đông (gấp ba lần diện tích đất liền), với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Lợi thế về địa lý như vậy đã giúp Việt Nam có trữ lượng hải sản lớn và phong phú; trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản rắn, vật liệu xây dựng vùng bờ và dầu khí vùng biển to lớn; tiềm năng du lịch gắn với biển dồi dào.
Trong những năm qua, sự phát triển của các khu kinh tế (KKT) ven biển đã đạt được những kết quả nhất định. Các KKT ven biển bước đầu đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa (GDP) của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các KKT ven biển đã đóng góp15 - 20% cho tổng GDP của cả nước và tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho khoảng 1,3 - 1,5 triệu người (ipcs.vn). Một số KKT ven biển đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản tương đối hoàn chỉnh; thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp. Song song với đó, cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước đối với KKT ven biển cũng đã dần được hoàn thiện.
Bên cạnh những tác động tích cực, thực tiễn hoạt động của các KKT ven biển thời gian qua vẫn còn gặp phải những hạn chế như: Các KKT chưa được định hướng thu hút các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, chưa tạo được sự liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động và chưa thể hiện được vai trò động lực và lan tỏa phát triển như mục tiêu đặt ra. Thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài và đóng góp của KKT ven biển vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng còn khiêm tốn; chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển. Phần lớn các KKT ven biển chưa có được các dự án đầu tư hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển của KKT; Thêm vào đó, Thế giới đang hướng đến một nền kinh tế phát 2 triển theo hướng bền vững. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững các KKT ven biển là rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Hội Địa chất Biển Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Văn Thanh thực hiện nghiên cứu “Cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển bền vững các khu kinh tế ven biển Việt Nam” với mục tiêu: Xác lập được cơ sở lý luận, thực tiễn và các tiêu chí phát triển bền vững (PTBV) các khu kinh tế ven biển trên Thế giới; bài học kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam; Đánh giá được thực trạng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường, tai biến thiên nhiên các KKT ven biển Việt Nam và 03 khu kinh tế nghiên cứu điểm.
Cơ sở xây dựng mô hình phải dựa trên phương pháp luận logic, khoa học; đó là là điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội (KT-XH) và cơ sở pháp lý là quy hoạch phát triển KT-XH và các quy định pháp luật có liên quan của khu vực. Và để có được mô hình PTBV phù hợp cho các KKTVB, các tác giả đã tham khảo, lựa chọn các mô hình PTBV các KKT trên thế giới và các nghiên cứu có liên quan của nhiều tác giả.
Các cơ sở Về phương pháp luận, Về lĩnh vực điều kiện tự nhiên và tài nguyên, môi trường và Về kinh tế-xã hội: có khá nhiều công trình nghiên cứu có liên quan của các tác giả trong và ngoài nước.
Các cơ sở pháp lý được dựa trên hiện trạng hoạt động kinh tế - xã hội của các KKT: đó là định hướng quy hoạch xây dựng các khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Chân Mây - Lăng Cô và Phú Quốc; Tiềm năng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, nông - lâm - ngư nghiệp, năng lượng tái tạo… của các khu kinh tế ven biển và các văn bản pháp luật liên quan.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đã xác lập được cơ sở lý luận và thực tiễn về PTBV các KKTVB Việt Nam.
- Đã đánh giá được thực trạng các KKTVB Việt Nam theo quan điểm PTBV.
- Kết quả nghiên cứu đã đề xuất được Bộ tiêu chí để đánh giá PTBV cho các KKTVB; áp dụng bộ tiêu chí này, các tác giả đã đánh giá được mức độ đáp ứng PTBV của 3 KKT nghiên cứu điểm; kết quả này sẽ là cơ sở khoa học để các KKT có thể xem xét, đánh giá và tự hoàn thiện để hướng tới mục tiêu PTBV.
- Trên cơ sở hệ thống lý luận cơ bản về PTBV với ba trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường; cùng sự bền vững-ổn định của thể chế chính trị-cơ chế chính sách; kết quả nghiên cứu đã đề xuất được các mô hình PTBV các KKT nghiên cứu điểm: Đình Vũ - Cát Hải, Chân Mây - Lăng Cô và Phú Quốc.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18249/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)