Cơ chế, chính sách phát triển và quản lý kinh tế ban đêm tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 10/07/2023 00:03 Cỡ chữ
"Kinh tế ban đêm" được hiểu một cách phổ biến nhất là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Kinh tế ban đêm (KTBĐ) được coi là một công cụ mạnh để tăng sức hấp dẫn của thành phố, phát triển các dịch vụ, văn hóa và tạo ra nhiều việc làm cho người dân, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương cũng như của quốc gia.
Ở Việt Nam, tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, … đã dần hình thành hoạt động KTBĐ, trong đó TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm…, và sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi. Tính trên cả nước hiện tại có hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, trong đó có khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động 24/24 giờ tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Để có thể thực hiện nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ, cần phải hiểu sâu về KTBĐ cũng như kinh nghiệm các nước để làm cơ sở, luận cứ cho việc nghiên cưu các chính sách hỗ trợ cho KTBĐ. Đó là nền tảng để xây dựng các cơ chế, chính sách riêng cho KTBĐ trước khi lựa chọn, quy hoạch và thu hút các doanh nghiệp, các ngành tham gia vào KTBĐ. Xuất phát từ những lý do trên, nhóm nghiên cứu tại Viện chiến lược và chính sách tài chính do TS. Phạm Thị Tường Vân dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Cơ chế, chính sách phát triển và quản lý kinh tế ban đêm tại Việt Nam” từ năm 2019 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng các luận cứ để làm cơ sở tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách khung (trọng tâm là chính sách về tài chính) của Chính phủ để phát triển và quản lý KTBĐ theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Qua nghiên cứu khung chính sách cho thấy về cơ bản, các chính sách tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nói chung và cho các ngành dịch vụ lõi của KTBĐ nói riêng đã được xây dựng đầy đủ theo nguyên tắc minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Do đó, dù hoạt động trong KTBN hay KTBĐ, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện của chính sách tài chính đều được hỗ trợ. Vì vậy, các cơ chế, chính sách cho phát triển KTBĐ, đặc biệt là chính sách tài chính nên được thiết kế theo dòng tiền để thực hiện kế hoạch phát triển KTBĐ, huy động các nguồn tài chính từ NSNN đến các nguồn lực ngoài ngân sách, từ khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường xã hội hóa. Các dòng tiền để đẩy nhanh việc đầu tư vào quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho KTBĐ được hoạt động hiệu quả; Sự hỗ trợ bằng tài chính chỉ thực sự cần thiết và sử dụng khi cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như dịch Covid-19, còn lại cần tập trung nhiều hơn vào các chính sách hỗ trợ thông qua cải cách thủ tục hành chính, giảm các chi phí hành chính cũng như hỗ trợ đầu vào sản xuất (điện, nước, chi phí cháy nổ, dịch vụ công cộng,…).
Chính vì vậy, phần giải pháp của đề tài được đề xuất gồm 3 nhóm giải pháp: (1) Nhóm định hướng giải pháp để xây dựng khung khổ pháp lý cho phát triển và quản lý KTBĐ ở địa phương; (2) Nhóm điều kiện để xây dựng khung khổ pháp lý cho phát triển KTBĐ ở địa phương; và (3) Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển và quản lý KTBĐ tại Việt Nam nhằm từng bước triển khai đề án phát triển KTBĐ tại Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18635/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)