Chất lượng quản trị công cấp tỉnh và phúc lợi hộ gia đình ở Việt Nam: Phân tích kinh tế lượng vi mô với dữ liệu mảng
Cập nhật vào: Thứ năm - 23/09/2021 23:09 Cỡ chữ
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể khác về nâng cao mức sống dân cư, từ việc gia tẳng tỷ lệ nhập học phổ thông trung học tới việc cải thiện sức khỏe và giảm thiểu tỷ lệ tử vong của trẻ em. Nhiều nghiên cứu xem xét đóng góp của các nhân tố trong việc nâng cao mức sống của hộ gia đình ở Việt Nam. Các nghiên cứu này thường xem xét đặc điểm hộ gia đình và đặc điểm của cộng đồng (hạ tầng, điều kiện tự nhiên, địa lý…) trong việc nâng cao mức sống dân cư (Cuong, 2008; Cuong, Linh, & Thang, 2013; Tuyen, Lim, Cameron, & Huong, 2014a; Tuyen, Son, Huong, & Viet, 2015; Van den Berg & Nguyen, 2011). Ngoài các đặc điểm cộng đồng nói trên thì chất lượng quản trị công của chính quyền địa phương cũng có tác động đáng kể tới chất lượng cuộc sống (Attridge, Nachuk, & Dung, 2002; Sáez, 2012). Ở Việt Nam, nâng cao chất lượng quản trị công được coi điều kiện tiên quyết để giảm nghèo và nâng cao mức sống dân cư (Jairo, Cuong, Anh, & Phung, 2015). Tuy nhiên cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào đánh giá tác động của chất lượng quản trị của chính quyền địa phương tới mức sống của các hộ gia đình.
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế do TS. Trần Quang Tuyến dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Chất lượng quản trị công cấp tỉnh và phúc lợi hộ gia đình ở Việt Nam: Phân tích kinh tế lượng vi mô với dữ liệu mảng” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019. Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng các mô hình kinh tế lượng vi mô để đánh giá tác động của thế chế cấp tỉnh (được đo bằng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)) tới mức sống hộ gia đình (được đo bằng thu nhập, nghèo đói, việc làm và bất bình đẳng) ở Việt Nam.
Mục tiêu nghiên cứu chung của đề tài là xem xét các tác động của quản trị công cấp tỉnh tới một số chỉ số quan trọng của mức sống hộ gia đình. Các mục tiêu nghiên cụ thể như sau:
- Đánh giá tác động của chất lượng quản trị công cấp tỉnh (đo bằng chỉ số PCI tới thu nhập, nghèo đói của hộ gia đình.
- Đánh giá tác động của chất lượng quản trị công cấp tỉnh (đo bằng chỉ số PCI tới chọn nghề, tiền lương và bất bình đẳng tiền lương.
- Nghiên cứu định tính để có được sự hiểu biết sâu hơn về tác động của quản trị công cấp tỉnh tới mức sống hộ gia đình.
- Các phát hiện từ nghiên cứu định lượng và định tính sẽ được sử dụng để rút ra các hàm ý chính sách hữu ích cho việc nâng cao mức sống dân cư thông qua nâng cao chất lượng quản trị công cấp tỉnh ở Việt Nam.
Đề tài đã thu được những kết quả sau:
- Thông qua tổng quan nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, đề tài đã xây dựng cơ chế tác động của quản trị công tới giảm nghèo. Tác động tích cực tới giảm nghèo và cải thiện thu nhập của quản trị công có thể được giải thích bằng cách vận dụng cơ chế giải thích ở “mô hình kinh tế” hoặc “mô hình quản trị của nhà nước”. Chỉ số PCI hay PAPI bao gồm nhiều chỉ số thành phần phản ánh đầy đủ các lĩnh vực hoạt đong kinh tế - xã hội và điều đó hàm ý rằng tác động tích cực có thể được diễn giải bằng cả hai mô hình. Một mặt, quản trị công tốt hơn giúp gia tăng đầu tư, giảm thiểu chi phí kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và do vậy góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo. Mặt khác, quản trị công tốt hơn có thể phản ánh thực tế là chính quyền địa phương đã cung cấp tốt hơn các dịch vụ công thiết yếu và có năng lực tốt hơn để trợ giúp các nhóm yếu thế trong xã hội. Qua đó giúp giảm nghèo và bất bình đẳng.
- Chất lượng quản trị công cấp tỉnh có tác động tích cực tới gia tăng thu nhập của hộ gia đình và khả năng thoát nghèo của hộ. Bên cạnh đó, ở cấp độ quản trị công cấp huyện, nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng kinh tế lượng với dữ liệu mảng về tác động của quản trị công cấp huyện tới giảm tỷ lệ nghèo cũng như độ sâu của nghèo. Điều đó cho thấy, ở cấp độ vùng, chất lượng quản trị tốt hơn sẽ giúp giảm nghèo cho địa phương. Chất lượng quản trị công, cụ thể là chất lượng đào tạo lao động của chính quyền tỉnh cũng có tác động tới việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên Việt Nam.
- Quản trị công cấp tỉnh tốt hơn sẽ đem lại cơ hội cho thanh niên lựa chọn các công việc thu nhập cao hơn cũng như việc làm hài lòng hơn. Tác động này có kiểm soát các yếu tố đặc điểm cá nhân và gia đình của lao động, và đặc biệt có kiểm soát biến số về mật độ doanh nghiệp, mức sống ở tỉnh và các đặc điểm thành thị-nông thôn và các vùng cả nước. Như vậy, quản trị công tốt sẽ giúp cho lao động trẻ có công việc tốt hơn cả về khía cạnh thu nhập và tinh thần.
- Chất lượng quản trị công cấp tỉnh có tác động tích cực tới gia tăng thu nhập từ làm công ăn lương cho các nhóm lao động, và ước tính này có độ tin cậy cao thông qua sử dụng dữ liệu mảng với các kỹ thuật phân tích nhằm giảm thiểu tính nội sinh của biến quản trị công và hạn chế của bộ dữ liệu mảng không cân bằng. Điều đó cho thấy, nâng cao chất lượng quản trị công cấp tỉnh sẽ giúp cho người lao động có thêm thu nhập và điều đó cũng hàm ý rằng chất lượng thể chế tốt giúp gia tăng lợi tức thị trường lao động ở địa phương.
Phát hiện đặc biệt có giá trị khoa học và thực tiễn ở nghiên cứu này là: sử dụng mô hình hồi quy phân vị, đề tài cho thấy chất lượng quản trị công cấp tỉnh có tác động dương nhưng khác nhau với các nhóm lao động ở các mức lương khác nhau (phân vị tiền lương khác nhau). Cụ thể, nghiên cứu cho thấy cứ mỗi điểm số gia tăng ở chỉ số PCI thì ảnh hưởng của nó lớn hơn cho nhóm lương thấp so với nhóm lương cao. Điều đó cho thấy, việc cải thiện chất lượng quản trị địa phương không chỉ giúp tăng tiền lương cho lao động địa phương, mà còn làm giảm bất bình đẳng tiền lương ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16705/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)